Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 24 dự án có vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc với tổng vốn cam kết đầu tư là 170 triệu USD. Lĩnh vực đầu tư đa dạng ngành nghề như may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông... tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động.
Tám tháng đầu năm 2023, Nghệ An đang đứng vị trí thứ 8/63 trong thu hút đầu tư FDI. Ảnh minh hoạ |
Cho đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đối với các đối tác Hàn Quốc còn rất khiêm tốn. Năm 2022 đạt 231 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 149 triệu USD, chủ yếu trên các mặt hàng: dệt may, tôn thép các loại, thiết bị linh kiện điện tử,... Nghệ An nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2022 đạt gần 206 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 129 triệu USD, chủ yếu trên các mặt hàng: nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện thoại, nhôm cuộn,...
Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, kết quả hợp tác của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với tỉnh Nghệ An còn hết sức khiêm tốn, dưới tiềm năng có thể đạt được. Quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hàn Quốc là đối tác hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt trong thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Nghệ An đang xếp khoảng thứ 34/63 tỉnh, thành phố.
Thời gian qua, Nghệ An đã tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh gọi là "5 sẵn sàng". Đó là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ.
Cụ thể, hệ thống đường cao tốc đi qua Nghệ An cơ bản hoàn thành; các dự án nâng cấp và mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Vinh đang thực hiện, cùng với đó, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư vào hệ thống cảng biển.
Ngoài ra, Nghệ An đã sẵn có mặt bằng hạ tầng các khu công nghiệp. Nghệ An có 5 khu công nghiệp với khoảng 2.000 ha. Trong đó, có 3 nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có năng lực và có kinh nghiệm gồm VSIP, Hoàng Thịnh Đạt, WHA. Đây là những nhà đầu tư rất tích cực trong thu hút đầu tư. Về nguồn nhân lực, Nghệ An có khoảng 1,6 triệu lao động. Trên địa bàn tỉnh có các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của các nhà đầu tư.
Nghệ An cũng đẩy mạnh cải cách hành chính với phương châm đồng hành, phục vụ nhà đầu tư từ khi đến tìm hiểu khảo sát, triển khai dự án. Tỉnh cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư; luôn quyết tâm cao và hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư: Thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc đến “xây tổ”.
Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, Nghệ An đứng tốp 10 địa phương có kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất; 8 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đang đứng vị trí thứ 8 cả nước trong thu hút đầu tư FDI. Đây là kết quả hết sức tích cực, minh chứng cho nỗ lực của chính quyền và các cấp, các ngành, các địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung mong muốn hội thảo là bước khởi đầu để có thể có những kết nối, hợp tác lâu dài, có thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Nghệ An trong thời gian tới với phương châm làm bài bản, chắc chắn để có những doanh nghiệp đến đầu tư tại Nghệ An thực chất và hiệu quả, không chạy theo thành tích và số lượng.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nghệ An đang tập trung thu hút các doanh nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp ô tô, công nghiệp vật liệu mới thân thiện với môi trường, mong rằng các doanh nghiệp Kocham giới thiệu sẽ đáp ứng các điều kiện của tỉnh Nghệ An. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh Nghệ An.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hông Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, mức đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ của hai bên. Phần lớn các doanh nghiệp của Hàn Quốc đang tập trung đầu tư vào các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Kocham mong muốn sẽ là cầu nối của các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Nghệ An. Hiện nay, Kocham đang thành lập các chi hội ở các địa phương, hy vọng sẽ có chi hội Kocham được thành lập tại tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Trung tặng quà lưu niệm cho Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam |
Sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tại Việt Nam vừa qua, đã có nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc cam kết đầu tư tại Việt Nam. Đoàn doanh nghiệp tham dự hội thảo hôm 25/8 có 25 doanh nghiệp. Thông qua chương trình hội thảo, các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến tỉnh Nghệ An sẽ tìm hiểu cụ thể hơn về môi trường đầu tư tại Nghệ An.
Tỉnh Nghệ An có diện tích rộng, dân số đông, có hệ thống hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ là điều kiện để các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại tỉnh. Kocham cam kết sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh Nghệ An.
Lãnh đạo Kocham mong muốn sẽ được tỉnh hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và cấp phép lao động người nước ngoài làm việc tại tỉnh. Hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Nghệ An.
Nguồn tin: baodautu.vn
Ý kiến bạn đọc