Từ chỗ liên tục đứng thứ 20 trở lên trong thu hút đầu tư nước ngoài, 2 năm gần đây, Nghệ An đã vươn lên top đầu với dấu mốc vượt 1 tỷ USD.
10 tháng năm 2023, Nghệ An đứng thứ tư về thu hút vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới với 1,01 tỷ USD, chỉ đứng sau Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng.
Trong khi trước đó, năm 2015, Nghệ An vẫn còn đứng vị trí thứ 20 với tổng vốn FDI thu hút được trong năm là 206 triệu USD.
Năm 2018, thứ hạng này còn thấp hơn nhiều khi tỉnh xếp thứ 45, chỉ với 25,68 triệu USD.
Năm 2020, Nghệ An thu hút được 169,4 triệu USD, đứng thứ 25.
Năm 2021, địa phương thu hút được 318,5 triệu USD và vẫn đứng thứ 20.
Năm 2022 đánh dấu thay đổi thứ hạng nhanh chóng của Nghệ An khi tỉnh này vươn lên thứ 11 trong số các địa phương hút nhiều vốn FDI nhất với 890,6 triệu USD.
10 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã vươn lên vị trí thứ tư với 1,01 tỷ USD. Nếu tính cả số vốn đăng ký bổ sung là 256,7 triệu USD thì tổng vốn FDI 10 tháng của Nghệ An là trên 1,27 tỷ USD, xếp thứ 9 cả nước.
Điểm đáng chú ý của dòng vốn đầu tư vào Nghệ An trong vài năm gần đây là chất lượng của nguồn vốn. 4 dự án đầu tư lớn đều thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD.
Trong số các nhà đầu tư nước ngoài chọn Nghệ An làm điểm đến đầu tư kinh doanh phải kể đến nhà đầu tư Foxconn Interconnect Technology Singapore PTE.LTD (Tập đoàn Foxconn) - đối tác hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Apple.
Hồi tháng 6/2023, tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) để sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, đang trong quá trình điều chỉnh chứng nhận đầu tư. Nhà máy của dự án có công suất thiết kế gần 40.000 tấn thanh silic/năm, gần 30.000 tấn tấm đĩa bán dẫn/năm.
Dù có những tín hiệu sáng sủa về thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng Nghệ An sẽ phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh.
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, Nghệ An vẫn đứng ở vị trí thứ 23/63 tỉnh thành phố. Dù tăng 7 bậc so với năm 2021 nhưng so với năm 2021, 2020 thì chỉ số này lại tụt bậc.
Trong 4 chỉ số bị tụt hạng của Nghệ An, có 2 chỉ số bị tụt hạng sâu nhất là chỉ số gia nhập thị trường (từ vị trí thứ 29 xuống vị trí thứ 46) và chỉ số đào tạo lao động (từ vị trí thứ 31 xuống vị trí 48).
Chỉ số tiếp theo là chi phí thời gian từ 30 xuống 42; chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục giảm từ 40 xuống 45.
Ý kiến bạn đọc