Cầu Châu Tiến nối liền hai bờ Quỳ Châu- Quế Phong tôn thêm vẻ đẹp cho Chiêng Ngam
Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, Nghệ An, cuốn hút bao điều muốn khám phá. Năm 1963, huyện Quỳ Châu được tách ra thành 3 huyện gồm Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong.
Thời Pháp thuộc, Quỳ Châu được gọi là Phủ Bọn thuộc Phủ Quỳ Châu. Tại xã Châu Hạnh vẫn còn dấu tích đồn điền cà phê do thực dân Pháp cai quản. Cà phê Phủ Quỳ nức tiếng ngon, nhưng bởi khu đất hẹp dưới chân núi Phả đai đã có hàng chục hộ dân định cư nên đồn điền tự giải thể sau khi Pháp rút.
Quỳ Châu còn nức tiếng cây quế mà hàm lượng dầu tốt nhất trong các loại quế trên cả nước. Người xưa không biết phân tích hàm lượng tinh dầu trong cây quế nhưng nếu dùng quế Quỳ làm thuốc thì hiệu nghiệm hơn quế nơi khác. Bởi thế nơi đây cũng đã xuất hiện câu ca “Nhất quế Quỳ, nhì quế Thanh”.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, Nghệ An, trong câu chuyện cùng PV Tạp chí Da cam Việt Nam
Lên với xứ Quỳ người ta đặc biệt chú ý một vùng đất bằng phẳng, phì nhiêu phản ánh rõ nét nền văn minh lúa nước của người Thái đã có từ thuở xa xưa. Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, dân tộc Thái có tập quán du canh du cư, phát rừng làm nương rãy. Nhưng, khi đến nơi này mới thấu hiểu rằng, tổ tiên người Thái thiên di đến vùng đất lập bản dựng mường và biết khai khẩn làm lúa nước từ rất lâu. Để có nước tưới cho cánh đồng bao la bát ngát ở độ cao chục mét so với các con sông, người Thái đã sáng tạo ra những guồng nước, và những chiếc guồng ấy ngàn đời tô vẽ cho cảnh sắc thiên nhiên nơi đây vừa thơ mộng, thanh bình, yên ả vừa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Những chiếc guồng tô vẽ thêm cảnh sắc thiên nhiên vừa thơ mộng, thanh bình, yên ả vừa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân
Là miền cảnh sắc sơn thủy hữu tình, nơi đây nổi tiếng bởi hợp lưu của 3 con sông, gồm sông Nặm Quàng, sông Nặm Hạt, và sông Nặm Việc, góp nguồn cho con sông Hiếu, chảy qua các huyện Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Tân Kỳ rồi nhập vào sông Lam.
Người Chiêng Ngam chủ yếu là dân tộc Thái, sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi và canh cửi. Thổ cẩm người Thái Chiêng Ngam dệt đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt được người Lào và Thái Lan đặt mua thường xuyên, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Trước đây Mường Chiêng Ngam có 4 bản là bản Bua, bản Ban, bản Xan, bản Tàu; Sau này tách ra thành các bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2, Hồng Tiến 1, Hồng Tiến 2, Bua Lầu, Minh Tiến, Hợp Tiến.
Trung tâm Mường Chiêng Ngam thuộc địa phận bản Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2 được bao bọc bởi các dãy núi Phá Èn, Phá Hủng, Phá Coóng; tạo nên một quần thể núi rừng hùng vĩ, hư ảo sương khói cùng quần thể hang động đầy quyến rũ. Nổi tiếng nhất là động Thẳm Bua (Hang thăm Bua hay còn gọi là Hang Bua), mang nhiều dấu tích lịch sử, truyền thuyết và văn hóa vùng đất.
Nơi đây còn giữ được rừng nguyên sơ trong quần thể núi non hùng vĩ
Đền Chiêng Ngam thờ thành hoàng dựng bản lập mường, là nơi làm Lễ tế trước khi diễn ra Lễ hội Hang thẳm Bua
Tại bản Hồng Tiến1, xã Châu Tiến, thuộc vùng Chiêng Ngam còn có đền thờ 3 vị thành Hoàng bản đã có công khai bản, dựng mường với tên gọi “Tến Chiêng Ngam” (Đền Chiêng Ngam). Tương truyền, Đền được xây dựng năm 1924 và phục dựng cách đây 10 năm. Vào ngày 20 đến 22 tháng giêng âm lịch hàng năm diễn ra Lễ thờ cúng các bậc tiền nhân, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường yên ấm hạnh phúc, sau đó là Lễ hội Hang thẳm Bua.
Trước đây Hang thẳm Bua có một đầm sen tỏa hương ngát quanh năm; tiếng Thái gọi hoa sen là “Bọc Bua” nên danh thắng mang tên Hang thẳm Bua từ đó. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ học thì Hang thẳm Bua là nơi cư trú của người Việt Cổ cách chúng ta trên 25 vạn năm và các dấu tích văn hóa ở Hang thẳm Bua có dấu vết của người Sa Piêng sớm nhất thế giới. Năm 1996, Lễ hội Hang Bua được khôi phục, năm 1998 di tích danh thắng Hang thẳm Bua được Bộ Văn hoá thông tin xếp Hạng di tích danh thắng Quốc gia.
Thiên nhiên ưu ái, người Chiêng Ngam cũng nổi tiếng với những giai thoại về sự thông minh, dũng khí, lịch lãm và quyền lực. Ở đây còn lưu giữ di tích ngôi nhà to nhất vùng của Tri phủ Sầm Văn Kim và truyền tụng dòng họ Sầm vùng cao xứ Nghệ. Bởi vậy người Chiêng Ngam từng có câu hát Nhuôn (Dân ca Thái):
“Côn Mường Chiêng Ngam kín pá xám nặm
Nặm Hạt hanh nặm Việc tăng ma
Nặm Giải hanh, nặm Quang tăng tiền".
(Dịch: Người Mường Chiêng Ngam ăn cá ba sông.
Sông Hạt cạn thì sông Việc cho nước.
Sông Giải cạn sông Quàng tiếp nước.) Điều đó cũng nói lên sự trù phú, hào phóng của trời đất luôn ưu ái con người.
Thổ cẩm Chiêng Ngam đã đến với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Lào và Thái Lan
“Huyện Quỳ Châu rất chú trọng khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng, bởi đầu tư mảng du lịch này thu hút người dân cùng tham gia, người dân là chủ thể nên họ rất có trách nhiệm với đồng vốn họ bỏ ra. Khai thác du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu đang mang lại hiệu quả rất tốt, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, lịch sử vùng đất, vừa bảo vệ môi trường. Hiện đã có hàng chục hộ gia đình phát huy tốt lợi thế này”. Ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu đặc biệt nhấn mạnh.
Du khách chụp ảnh lưu niệm "Giao lưu văn hóa Thái Chiêng Ngam"
Một góc phố núi thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu
Lên với Quỳ Châu không ai có thể bỏ qua những điểm đến ở vùng du lịch sinh thái cộng đồng các bản Châu Tiến, Châu Bính Châu Thuận, rồi các danh thắng có đầy đủ dịch vụ cho du khách như: Thác Tạt Ngoi, thác Đủa, Khe Pông ở xã Châu Hạnh, hay vùng Bù Dằng ở xã Châu Nga... hút hồn du khách tò mò, khao khát khám phá.
Lang Quốc Khánh
Nguồn tin: dientudacam.vn
Ý kiến bạn đọc