Rộn ràng ngày hội ngôi Đền thờ 9 vị thành hoàng trên núi ở miền Tây Nghệ An

Chủ nhật - 24/03/2024 21:14 1.314 0
Rộn ràng ngày hội ngôi Đền thờ 9 vị thành hoàng trên núi ở miền Tây Nghệ An
Ngày 23/3, hàng vạn người dân và du khách long trọng khai Hội Đền Chín gian 2024, ngôi Đền tọa lạc trên núi, thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đây là lễ hội lớn nhất và duy nhất bên ngôi Đền thờ 9 vị thành hoàng có công khai đất lập bản dựng mường; tri ân các vị tiền nhân. Ngôi Đền mang danh con số 9, được chia làm 9 gian, thờ 9 vị thành hoàng. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày.
Đền tọa lạc trên núi
Kiến trúc theo kiểu nhà sàn của người Thái
Đền Chín gian (9 gian) được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận “Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia” theo Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13/6/2016 và lễ đón chính thức tại Lễ hội Đền Chín gian năm 2017.
Lễ rước Bằng công nhận “Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia”
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, khoảng cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ thứ 15, nhóm dân tộc Thái xuất hiện ở miền tây tỉnh Nghệ An. Nhóm này thiên di đến từ các nước láng giềng Thái Lan và Lào cùng Tây Bắc Việt Nam. Đầu tiên nhóm này dừng chân vùng Mường Nọc (Meuangnok) của huyện Quế Phong, sau đó di chuyển xuống vùng Quỳ Châu, Quỳ Hợp, lập ra các tên bản, tên mường như: Chiêng ngam (Meuang Chiengngam), Mường Pòn (Mueang Pon), Khủn Tinh (Mueang Khounting)...
Cư dân vùng này chủ yếu là bà con dân tộc Thái (Tai meuang) với canh tác chủ yếu là lúa nước và chăn nuôi. Các món ăn truyền thống cũng gần gũi với các món ăn dân dã nông thôn Lào và Thái Lan hiện nay.
 Ông Trương Minh Cương - Bí thư Huyện ủy Quế Phong đánh trống khai hội
Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong phát biểu về giá trị ý nghĩa
của Lễ hội Đền Chín gian
Theo sưu tầm được ghi tại Đền kể rằng: Tạo Mường ở Luangprabang của nước Lào sinh được 2 người con trai, anh là Lo Ỷ, em là Lo Ải. Cả hai anh em đều thông minh, khỏe mạnh hơn người nhưng người em vốn tham lam, đố kỵ, nên biết cha có ý định truyền ngôi cho anh, đã giết chết người anh rồi ném xác xuống sông Mã chảy từ Lào về, qua một khúc sống hẹp ở tỉnh Thanh Hóa thì được quạ cứu; tuy nhiên một khảo dị cho rằng không phải người em giết anh mà do người anh đi săn vùng núi tỉnh Hủa phăn (Huaphanh) bị trượt chân ngã xuống sông Namxam (Nậm xăm) sau đó trôi đến biên giới Việt Nam thì được một con quạ thần cứu sống và đoạn kể sau thì giống nhau (Sông Namxam đoạn đến Việt Nam gọi là sông Chu).
Nghĩa tiếng Thái Lo Ải mới là anh, và Lo Ỷ là Em, không phải như bản sưu tầm lưu tại Đền... Về mặt địa lí, không có con sông nào bắt nguồn từ Luangprabang về Nghệ An, Thanh Hóa, mà chỉ có sông Chu bắt nguồn từ Huaphanh, địa phận Samnuea, về Việt Nam được gọi sông Chu, sau nhập nhập vào sông Mã.
 Tục đâm trâu nay chỉ làm động tác tượng trưng
Sau này khi làm chúa mường, nhớ ơn quạ cứu mạng, Ló Ải đặt tên cho bản mường của mình là Mường Cả dá- Caza (nghĩa là mường Quạ Cứu) vùng đất này nay thuộc xã Hội Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá). Sau đó Lo Ai cùng bàn dân của mình thiên di vào Nghệ An lập nên các mường là: Mường Tôn-Meuang Tone (Mường chủ, Mường gốc) bao gồm các bản Piếng Chào, Bản Đô, Bản Giang (xã Châu Kim), Bản Đỏn Cớn (xã Mường Nọc), Bản Pỏi, Bản Đỉn Đảnh (xã Châu Thôn), mường Chò Lè (xã Tri Lễ) đều thuộc huyện Quế Phong. Tiếp đó tạo mương còn lập thêm 8 Mường nữa là: Mường Quáng (Meuang Quang), Mường Chừn (Meuang Cheun), Mường Pắn (Meaung Pan), Mường Puộc (Meuang Puok), Mường Ha Quèn (Muaeng Haquen), Mường Miểng (Mueang Mieng), Mường
Không gian văn hóa mang bản sắc dân tộc Thái rõ nét tại Lễ hội
Chón (Mueang Chone), Mường Chòng (Meuang Chong) thuộc 11 xã của 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp.
Sau này, để tri ân các vị chúa mường, người dân đã dựng nên một ngôi đền ở Mường Tôn (Mueang Tone) gọi Đền là Tến Xớ Quái (đền Hiến Trâu), nhưng vì có 9 gian nên đổi thành Tến Cau Hong (Đền Chín Gian), thờ 9 vị chúa mường và thờ Thẻn Phà (Thờ trời), nàng Xỉ Đả (Tức Thánh mẫu đệ nhị công chúa) và Tạo Ló Ai (Chúa mường đầu tiên).
Làm thủ tục tạ ân thần linh và các các vị thành hoàng
Hàng năm tại ngôi đền được nhân dân các dân tộc miền Tây Nghệ An tổ chức Lễ hội vào rằm tháng hai âm lịch; theo tục lệ, 9 Mường phải nộp 9 con trâu tế thần. Trước khi hội lễ thường diễn ra trò đâm trâu. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, Lễ hội Đền Chín Gian chỉ hiến một trâu và tục đâm trâu được bãi bỏ, chỉ dắt trâu vòng quanh và giơ rìu chém tượng trưng; còn 9 trâu được đắp hình tượng bằng bê tông bên 9 nồi vạc. Các mâm lễ cúng 9 vị chúa mường (tạo) là những món ẩm thực độc đáo cùng những trò diễn dân gian Thái, cuốn hút hàng vạn du khách đến chiêm bái, khám phá.
Nhiều năm nay Lễ hội Đền Chín Gian thường diễn ra cấp vùng (nhiều huyện vùng cao Nghệ An) và 5 năm một lần diễn ra lễ hội cấp tỉnh.
Hình tượng 9 trâu cống nạp tế lễ các vị thành hoàng
Bà Lô Thị Nguyệt, Phó chủ tịch huyện Quế Phong cho biết, Lễ hội Đền 9 gian có ý nghĩa sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước; gìn giữ bảo tồn các di sản văn hóa đặc sắc trong cộng đồng người Thái về tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” đối với các bậc tiền nhân người Thái; đây còn là dịp quảng bá hình ảnh, kết nối du lịch các huyện miền tây Nghệ An. Quế Phong có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh thiên đẹp, hoang sơ; có Đền Chín gian, thác Sao Va, thác bảy tầng, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, hệ thống các hang động, hồ thủy điện Hủa Na,... Ngoài ra, Quế Phong còn là vùng đất hội tụ nhiều đồng bào dân tộc với nhiều nét văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc; nổi bật là làng Thái cổ và các lễ hội truyền thống.
Đền Chín Gian được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia năm 2016 và đã được công nhận là điểm du lịch Nghệ An vào năm 2021; di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2023.
Đền Chín gian tọa lạc trong quần thể thiên nhiên hùng vĩ huyện biên giới Việt Lào

Trong Đề án Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; huyện Quế Phong đã thu hút được 01 dự án du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đang thực hiện tại bản Khoẳng Đổ, xã Châu Kim với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng; xây dựng và đưa vào hoạt động khá thành công mô hình du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng của Xã Châu Kim và bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch với 6 Homestay của các hộ dân bản địa. Đặc biệt, hình thành và đi vào hoạt động một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như: Homestay Lâm Khang (Hạnh Dịch), Farmstay Nhật Minh (Châu Thôn), Du lịch sinh thái Pù Kép (Châu Kim), Du lịch sinh thái Tâm My (xã Tri Lễ); góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, ổn định an ninh, chính trị vùng biên giới Việt Lào.
Hiện trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách gồm 17 khách sạn và hơn 10 Homestay.
Bài và ảnh: Lang Quốc Khánh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây