Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA VIỆC THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM - LIÊN XÔ (30/01/1950 - 30/01/2025)
Việt Nam và Liên bang Nga (LB) có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, đã trải qua chặng đường 75 năm đầy thử thách và biến động, cùng nhau xây đắp tượng đài hữu nghị Việt - Nga bằng tình cảm, công sức và sự hy sinh quên mình của nhiều thế hệ người dân hai nước. Chúng ta sẽ mãi ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn mà những người anh em Nga đã dành cho Nhân dân Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay.
Vào tháng 01/1950, Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự kiện này đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc khẳng định địa vị pháp lý chính đáng của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên ra đời ở nước ta. Với vị thế là nước đứng đầu trong hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN), việc công nhận của Liên Xô có ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia XHCN khác. Ngay sau đó, hàng loạt nước XHCN đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Điều này góp phần hết sức quan trọng trong việc thay đổi cục diện của cuộc kháng chiến chống Pháp theo hướng có lợi cho ta. Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Thắng lợi chính trị đó sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”.
1.1. Bối cảnh của việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô (30/01/1950)
Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ((DCCH) được thành lập. Nước Việt Nam non trẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... Chính quyền cách mạng chưa được củng cố, lực lượng vũ trang còn non yếu. Vì vậy, một trong những cố gắng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phá vỡ thế bao vây của kẻ thù và tranh thủ sự ủng hộ của các nước XHCN. Chính phủ Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi sự ủng hộ về vật chất và tinh thần, đồng thời kín đáo khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc kháng chiến của mình.
Chỉ 20 ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, ngày 22/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mật điện cho I.V. Stalin (qua Đại sứ Liên Xô A.E.Bogomolov tại Pháp), thông báo về sự ra đời của Chính phủ cách mạng ở Việt Nam:
“Kính gửi đồng chí J.Stalin. Moskva. Chúng tôi xin thông báo với Ngài rằng Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập với Chủ tịch là Hồ Chí Minh. Ngày 25/8, Hoàng đế Bảo Đại thoái vị và chuyển giao chính quyền cho Chính phủ mới được toàn dân ủng hộ. Trong khi đó, do hệ thống đê điều bị phá vỡ, một nửa Bắc Bộ bị ngập lụt, gây thiệt hại to lớn, dân bắt đầu chết đói. Chúng tôi xin Ngài giúp đỡ ở mức độ có thể. Trân trọng. Hồ Chí Minh”.
Tuy vậy, phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, cuối cùng Chính phủ Việt Nam DCCH đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô. Ngày 23/1/1950, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi đại sứ. Tiếp đó, vào cuối tháng 01/1950, Chính phủ Việt Nam DCCH cử một đoàn đại biểu do Hồ Chí Minh dẫn đầu bí mật đến Liên Xô theo lời mời của J.Stalin tới Moskva để bàn về việc hợp tác Xô - Việt mà cụ thể là trực tiếp vận động sự ủng hộ, đồng thời gửi công hàm đề nghị nước này công nhận và lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ.
Nhờ tăng cường hoạt động đối ngoại, vận động sự ủng hộ từ Liên Xô của Việt Nam DCCH đã nhanh chóng thu được kết quả to lớn. Đáp ứng tuyên bố của Chính phủ Hồ Chí Minh về việc sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới, ngày 30/1/1950, Moskva chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam DCCH. Tiếp đó, vào tháng 4/1952. Chính phủ LB Cộng hòa XHCN Xô Viết quyết định thiết lập ngoại giao cấp đại sứ với Việt Nam DCCH, đồng thời, Nhà nước Liên Xô cam kết viện trợ cho VNDCCH. Về viện trợ quân sự, Liên Xô cam kết giúp Việt Nam xây dựng 1 trung đoàn pháo phòng không 37 ly, 5 tấn thuốc ký ninh và một số xe ô tô vận tải Molotova. Như vậy, nước VNDCCH đã giành được sự ủng hộ thực tế và to lớn từ Liên Xô và nhiều nước khác, chấm dứt thời kỳ “chiến đấu trong vòng vây”.
1.2. Ý nghĩa lịch sử của việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Xô (30/01/1950)
Liên Xô là một trong những nước đầu tiên đã công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam mới. Việc Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân công nhận Chính phủ nước Việt Nam DCCH là một sự kiện trọng yếu trong lịch sử ngoại giao nước ta, là một thắng lợi to lớn về chính trị có ảnh hưởng lớn đến cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Ngày 30/01/1950 đã đi vào lịch sử quan hệ song phương Việt - Xô/Nga, như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia.
Sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình và đầy hiệu quả về chính trị, kinh tế và quân sự của nhân dân Liên Xô dành cho Nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước đã góp phần quan trọng, giúp chúng ta thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Việt Nam tiếp tục nhận được sự giúp đỡ to lớn và toàn diện của Liên Xô. Hàng chục ngàn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, các ngành chủ chốt của nền kinh tế quốc dân Việt Nam như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục... đã được xây dựng và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước.
Hiệp ướcHhữu nghị và Hợp tác giữa CHXHCN Việt Nam và LB CHXHCN Xô Viết ký ngày 03/11/1978 (gọi tắt là Hiệp ước năm 1978) tại Moskva ngay sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV) ngày 29/6/1978, thể hiện sự hợp tác toàn diện chiến lược giữa Việt Nam và Liên Xô. Sức mạnh của quan hệ Việt - Xô được tạo ra từ hình mẫu của tình nghĩa quốc tế trong sáng và thủy chung. Từ năm 1978 đến giữa những năm 1980, các khoản viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam tăng vọt: Hàng năm, Liên Xô đã cung cấp các khoản viện trợ cho Việt Nam từ 700 triệu đến 1 tỷ USD. Các viện trợ bao gồm các khoản cho vay, tín dụng thương mại, đào tạo kỹ thuật, các dự án hỗ trợ, trợ giá... Toàn bộ các cơ sở công nghiệp của Việt Nam sau chiến tranh đã được khôi phục và xây dựng bởi sự giúp đỡ từ phía Liên Xô.
Lãnh đạo Đảng và nhân dân Việt Nam luôn ca ngợi sự khăng khít trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô: “Đối với Lênin, đối với Cách mạng Tháng Mười, đối với Đảng Cộng sản, Chính phủ Liên Xô và nhân dân Xô Viết, chúng ta “Uống nước phải nhớ nguồn” (Chủ tịch Hồ Chí Minh); “Nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc rằng mỗi bước đi lên, mỗi chặng đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với những sự kiện trọng đại diễn ra trên đất nước Liên Xô” (Tổng Bí thư Lê Duẩn).
Trong suốt 75 năm qua, Việt Nam và Nga đã xây dựng một mối quan hệ đối tác vững chắc, hợp tác cùng có lợi và đa dạng. Từ năm 2012, mối quan hệ này đã được nâng lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu sự tin cậy và phối hợp chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực. Các kết quả hợp tác nổi bật trong những năm gần đây minh chứng cho sự phát triển không ngừng của mối quan hệ này. Theo đó, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ấn tượng, đạt 4,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Hợp tác dầu khí, một trong những trụ cột chính, tiếp tục tiến triển với dấu ấn từ Liên doanh Vietsovpetro. Hàng năm, Nga cấp 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong lĩnh vực du lịch, số lượng du khách Nga tới Việt Nam năm 2024 đạt hơn 204 nghìn lượt, tăng 82% so với năm 2023…
1.3. Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam (ngày 14 - 15/1/2025) của Thủ tướng LB Nga M.V. Mishustin
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ LB Mikhail Vladimirovich Mishustin đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 15/1/2025. Đây là một sự kiện quan trọng mang tính biểu tượng nhân dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950-30/1/2025).
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng M. Mishustin hội đàm Liên chính phủ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, trao đổi về các vấn đề hợp tác Việt-Nga trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc triển khai các dự án chung trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Thủ tướng M. Mishustin cũng có các cuộc hội kiến Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Thủ tướng M. Mishustin đã cùng lãnh đạo Việt Nam thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, bao gồm thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ và nhân đạo. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ trao đổi về việc thúc đẩy phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc và ASEAN.
Nhìn về tương lai, hai nước còn rất nhiều tiềm năng để làm sâu sắc và đa dạng hóa hơn nữa quan hệ hợp tác, dựa trên cơ sở nền tảng vững chắc của truyền thống lâu đời hữu nghị và tương trợ lẫn nhau, đáp ứng lợi ích cơ bản của hai nước với mục tiêu chính là bảo đảm sự phát triển thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân. Kết quả chuyến thăm Việt Nam lần này sẽ tạo thêm động lực để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực truyền thống cũng như các lĩnh vực mới đầy triển vọng theo tinh thần tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, chúng ta không thể không tự hào trước những thành quả to lớn của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp mà Việt Nam và Nga cùng nhau xây dựng và vun đắp. Giờ đây, cũng chính với những tình cảm chân thành và gắn bó đó, cùng với những thành quả và kinh nghiệm hợp tác quý báu, hai nước Việt Nam và LB Nga ngày nay tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ Việt - Nga lên tầm cao mới vì sự phát triển và phồn vinh của hai dân tộc./.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh
Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng thư ký
Hội Hữu nghị Việt Nam - LB Nga tỉnh Nghệ An,
nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh