Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025

Thứ tư - 26/02/2025 04:24 56 0
Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Nhóm PV TG&VN
Sáng 26/2, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 đã diễn ra phiên toàn thể cấp cao với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta. Báo Thế giới và Việt Nam tường thuật trực tiếp phiên toàn thể cấp cao và đưa tin về tất cả các phiên làm việc của Diễn đàn.
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Việt Nam-Ấn Độ chia sẻ nhiều điểm đồng và lợi ích chung, hướng tới xây dựng một khu vực hòa bình, phát triểnThủ tướng Phạm Minh Chính: ASEAN và Việt Nam đứng trước khởi điểm lịch sử mới, cùng hướng tới mục tiêu đầy khát vọngĐại sứ Australia: ASEAN là 'tiền tuyến' trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình khu vực
Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Toàn cảnh phiên toàn thể cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, ngày 26/2. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham dự phiên toàn thể có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; cùng đại diện lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu nước ngoài, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... Đông đảo nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả, phóng viên báo chí... trong và ngoài nước đã tham dự sự kiện.

ASEAN – ngọn hải đăng của hy vọng

Phát biểu dẫn đề tại phiên toàn thể cấp cao, Chủ tịch ASEAN 2025, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh, Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công đáng ngưỡng mộ, là minh chứng cho hành trình vươn lên từ nghèo khó; là quốc gia hiện đại, tiên tiến, có thể tăng cường phát triển kinh tế hiện đại.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim khẳng định ASEAN sẵn sàng chia sẻ tinh thần này với bạn bè quốc tế, thể hiện sự đoàn kết của ASEAN và đảm bảo tương lai Hiệp hội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng chia sẻ ông đã tới Việt Nam khi còn rất trẻ và đã quen với các câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Malaysia ủng hộ tinh thần của người dân Việt Nam. “Cá nhân tôi muốn tới Điện Biên Phủ - biểu tượng của chiến tranh du kích Việt Nam. Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển 7% trong năm qua, đó là một nỗ lực ấn tượng.

Các bạn đã cho thấy nỗ lực kiên cường trong phát triển kinh tế, đảm bảo công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nền ngoại giao đặc sắc. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ Thủ tướng Phạm Minh Chính”, Thủ tướng Anwar Ibrahim chia sẻ.

Theo nhà lãnh đạo Malaysia, thế giới đang ở một “điểm uốn” địa chính trị với không ít sự gián đoạn toàn cầu mà ASEAN phải trải qua, có thể gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực cũng như đối với phúc lợi của người dân Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Anwar Ibrahim nhấn mạnh, ASEAN phải tỏa sáng như một “ngọn hải đăng của hy vọng”, thúc đẩy một khu vực bền vững, hài hòa và năng động về kinh tế. ASEAN phải thúc đẩy vai trò trung tâm, tự chủ chiến lược.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Phiên toàn thể cấp cao thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu Việt Nam và quốc tế. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo Thủ tướng Anwar Ibrahim, vai trò trung tâm là một “quyền lợi” nhưng cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu như ASEAN chia rẽ. Do vậy, ASEAN may mắn là một trong những khu vực an toàn và hòa bình nhất, phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới hiện nay.

Các quốc gia ASEAN đang từng bước vươn lên thành công và như khẳng định của Thủ tướng Anwar Ibrahim, ASEAN sẵn sàng chia sẻ tinh thần này với bạn bè quốc tế, thể hiện sự đoàn kết của ASEAN và đảm bảo tương lai Hiệp hội. ASEAN sẵn sàng đi đầu trong những nỗ lực như chuyển đổi năng lượng, số hóa, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng xanh, xây dựng chuỗi cung ứng tự cường, bền vững cho tương lai.

“Khi chúng ta thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN trong bối cảnh này, cần đề phòng với các rủi ro địa chính trị; cơ hội và thách thức luôn tồn tại song song”, Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh, đồng thời đề cập việc phải cân bằng quan hệ nước lớn, trong đó có quan hệ với Mỹ, Trung Quốc.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Những vị khách đặc biệt tham dự phiên toàn thể cấp cao. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng Malaysia chia sẻ chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2025 “Bao trùm và bền vững” nhận được sự đồng tình của các nước thành viên và phản ánh một thời điểm quan trọng trong lịch sử đối với cả ASEAN và thế giới nói chung.

Chủ đề này cũng có ý nghĩa sâu sắc khi ASEAN tiến tới một kỷ nguyên mà sự đoàn kết và hợp tác là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết các thách thức chung và khai thác các cơ hội mới. “Tôi tin rằng ASEAN đang đứng trước ngưỡng cửa của sự đổi mới và chuyển mình.

Chúng ta không còn là người ngoài cuộc trong các vấn đề toàn cầu mà là một lực lượng năng động và có ảnh hưởng thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Và tôi hoàn toàn đồng ý với Thủ tướng Chính khi ông mô tả rằng ASEAN là một khu vực có sức sống phi thường”, Thủ tướng Anwar Ibrahim kết lại.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta cùng các đại biểu tham dự phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn tương lai ASEAN, ngày 26/2. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thương mại là huyết mạch giữa ASEAN-New Zealand

Bày tỏ vinh dự và vui mừng khi tới Việt Nam dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cho rằng, đây là sự kiện mang tính thời sự, quan trọng với quan hệ ASEAN-New Zealand. Đây cũng cơ hội để có thể đề cập thách thức mà thế giới và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt, tầm quan trọng của ASEAN với New Zealand.

Thủ tướng Christopher Luxon cho biết, 2025 còn gắn với một dấu mốc khác trong quan hệ giữa New Zealand với Việt Nam - kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Thủ tướng chỉ rõ, khu vực này luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách của New Zealand nhưng hiện tại, có nhiều điều giữa khu vực này với đất nước có nhiều thay đổi. Đơn cử như vai lãnh đạo trên toàn cầu về biến đổi khí hậu, an ninh đang có những biến động nhất định.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Để duy trì hòa bình, thịnh vượng, trong tương lai, Thủ tướng Christopher Luxon cam kết sẽ cải thiện quan hệ với ASEAN, hợp tác chặt chẽ với khối và tìm kiếm thêm các cơ hội mới cùng nhau. (Ảnh: Tuấn Anh)

“Từ phía New Zealand, chúng tôi có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia Đông Nam Á. Trong bối cảnh nhiều bất ổn, chúng ta cần tiếp tục duy trì cam kết có nhận thức chung về an ninh, tập thể”, Thủ tướng Christopher Luxon nói.

Nhận định về ASEAN, Thủ tướng Christopher Luxon khẳng định, thời gian qua, khối luôn đóng vai trò trung tâm và quan trọng trong thế giới và khu vực. Đó là lý do Wellington hợp tác với ASAEN và luôn tin tưởng vào vai trò trung tâm của khối. “Chúng tôi ủng hộ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và hiểu tầm quan trọng của Đông Nam Á. Có một sự thật rằng, khi khu vực này bất ổn sẽ ảnh hưởng cả tới chúng tôi”, nhà lãnh đạo New Zealand thừa nhận.

Ngày nay, Đông Nam Á là một khu vực ấn tượng nhất, năng động nhất và tươi đẹp nhất trên thế giới. Khu vực đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong tương lai. Vì vậy, việc đảm bảo sự bền vững, thịnh vượng ở ASEAN là điều cần làm.

Trong tương lai, New Zealand duy trì cam kết mở rộng quan hệ với ASEAN và các quốc gia thành viên – những người bạn của đất nước.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
New Zealand “ủng hộ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và hiểu tầm quan trọng của Đông Nam Á. Có một sự thật rằng, khi khu vực này bất ổn sẽ ảnh hưởng cả tới chúng tôi”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng chia sẻ: “Tôi đã có chuyến thăm tới 6 quốc gia ASEAN. Tôi nhận thấy, cơ hội lớn giữa hai bên về thương mại, cộng đồng dân cư và an ninh quốc phòng”.

Thương mại là huyết mạch giữa quan hệ hai bên. ASEAN là đối tác lớn thứ 4 của New Zealand và tiếp tục tăng trưởng mạnh. Chính phủ duy trì cam kết mở rộng hơn nữa quá trình hội nhập thương mại và đưa mục tiêu táo bạo nhằm nhân đôi kim ngạch thương mại trong thời gian tới. “Hy vọng nhà đầu tư ASEAN dến New Zealand nhiều hơn, tăng hiện diện tại đất nước của chúng tôi”, Thủ tướng Christopher Luxon mong muốn.

Để duy trì hòa bình, thịnh vượng, trong tương lai, Thủ tướng New Zealand cam kết sẽ cải thiện quan hệ với ASEAN, hợp tác chặt chẽ với khối và tìm kiếm thêm các cơ hội mới cùng nhau. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho New Zealand, ASEAN và cả thế giới.

Đặt tự lực, tự cường và tự chủ chiến lược lên hàng đầu

Tại phần thảo luận của phiên toàn thể cấp cao, nói về ý nghĩa của tự chủ chiến lược đối với Việt Nam và ASEAN trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, bất cứ quốc gia, Hiệp hội nào đều phải đặt vấn đề tự lực, tự cường và tự chủ chiến lược lên hàng đầu.

Điều này thể hiện ở một số điểm, thứ nhất, về quan hệ đối ngoại, phải luôn giữ thế cân bằng, đối xử công bằng, hữu nghị, tạo nên môi trường hoà bình, hợp tác phát triển dựa trên luật lệ.

Thứ hai, để tự lực thì kinh tế phải phát triển, nếu ko sẽ tụt hậu, ko tự lực chiến lược và tự cường. Thứ ba, cần phải tăng cường, củng cố quốc phòng và an ninh phù hợp tình hình, và muốn thế thì phải phát triển kinh tế.

Thứ tư, về an sinh xã hội, cần đảm bảo công bằng, tiến bộ trong xã hội văn minh, hỗ trợ cho người yếu thế trên nguyên tắc, mục tiêu là phát triển ko để ai ở lại phía sau. Cuối cùng, ngoài yếu tố tự lực tự cường là cốt lõi, thì cần phát triển bản sắc văn hoá để phát huy nội lực, bởi văn hoá là sức mạnh nội sinh, phát huy nguồn lực của dân tộc.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói về ý nghĩa của tự chủ chiến lược đối với Việt Nam và ASEAN trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ vai trò Chủ tịch của Malaysia trong nhiệm kỳ năm 2025, và hy vọng những ý tưởng lớn được Thủ tướng Anwar Ibrahim chia sẻ sẽ mang lại hiệu quả. Về vấn đề Myannar, Thủ tướng bày tỏ Malaysia sẽ phát huy vai trò Chủ tịch và mang lại “tia sáng trong đường hầm”. Đối với Timor Leste, Việt Nam khẳng định ủng hộ Timor Leste sớm là thành viên của ASEAN.

Đánh giá cao quan hệ tốt đẹp ASEAN-New Zealand và ủng hộ việc nâng cấp quan hệ hai bên, Thủ tướng đã gửi lời cảm ơn New Zealand đã giúp Việt Nam trong thời kỳ bị bao vây cấm vận, nhất là trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh.

Đóng vai trò trung tâm, ASEAN phải dẫn dắt cuộc chơi

Trả lời câu hỏi Trật tự quốc tế hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nề và ASEAN cần làm gì để bảo đảm trật tự khu vực dựa trên luật lệ? Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quản trị một quốc gia hay một thế giới đều phải dựa trên luật lệ, chúng ta phải tự thiết kế ra luật lệ đó. Khi đã có thiết kế, cần phải tôn trọng để thực hiện một cách hiệu quả.

Thủ tướng nói rõ, luật lệ thế giới hiện nay quy định rất rõ, trước hết, cần phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, giải quyết tranh chấp bằng hoà bình, thông qua thương lượng và ngoại giao, không dùng vũ lực để bảo đảm ổn định, tránh xung đột.

Thứ hai, luật lệ cần tôn trọng quyền con người. Mỗi con người sinh ra cần có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc mà ko ai có thể xâm phạm. Tất cả các nước đều đề cao vấn đè này và chúng ta phải tôn trọng.

Thứ ba, cần phải yêu thương và tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tất cả cùng phát triển và không để ai ở lại phía sau.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, ngay tại ASEAN cũng có những luật lệ, đó là đoàn kết thống nhất trong đa dạng. Vì vậy, cần trung lập giải quyết các vấn đề quốc tế dựa trên lợi ích chung, tôn trọng các nước ASEAN cùng phát triển. Bên cạnh đó, các quốc gia trong Hiệp hội cũng cần ứng xử linh hoạt với các vấn đề quốc tế, giúp đỡ nhau cùng phát triến, mang lại hoà bình, lợi ích cho người dân.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Đóng vai trò trung tâm trong khu vực, ASEAN không những phải tham gia, ủng hộ các giải pháp mang lại hoà bình, hợp tác và phát triển, mang lại ấm no cho người dân, mà còn phải góp phần dẫn dắt cuộc chơi đi đến kết quả cao nhất". (Ảnh: Tuấn Anh)

Bình luận về vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề xung đột, căng thẳng trên thế giới, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, mỗi quốc gia trong Hiệp hội cần có chính sách và hành động mang lại hiệu quả cho hoà bình và hợp tác phát triển trên thế giới, từ đó tạo sức mạnh tổng hòa truyền cảm hứng tạo động lực cho các nước, khu vực khác trên thế giới.

"Đóng vai trò trung tâm trong khu vực, ASEAN không những phải tham gia, ủng hộ các giải pháp mang lại hoà bình, hợp tác và phát triển, mang lại ấm no cho người dân, mà còn phải góp phần dẫn dắt cuộc chơi đi đến kết quả cao nhất", Thủ tướng khẳng định.

ASEAN cần dựa vào nền tảng quan hệ đối tác hợp tác với 25 quốc gia trên thế giới, nhất là 6 quốc gia lớn có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược hay Đối tác toàn diện (trong đó có Mỹ và Trung Quốc), phát huy các cơ chế để tăng cường ảnh hưởng, vai trò của khối trong giải quyeets các vấn đề nóng như xoá đói giảm nghèo, xung đột, chống biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo,..

Đối với thế hệ trẻ, cần học tập nâng cao trình độ, năng lực kiến thức của mình để trang bị kiến thức toàn diện của công dân toàn cầu, có cách tiếp cận, tự duy và phương pháp luận để giải quyết các vấn đề toàn cầu một cách có hiệu quả và thanh toát nhất, mang lại lợi ích cho quốc gia và toàn thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh, khi đã có kiến thức và tư duy phương pháp luận, mỗi người trẻ cần trở thành một sứ giả của hoà bình, của phát triển thịnh vượng cho chính bản thân và toàn thế giới.

Về vấn đề an ninh mạng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự phát triển của khoa học công nghệ, an ninh mạng hay trí tuệ nhân tạo (AI) đang ở giai đoạn "không thể tưởng tượng được", đòi hỏi các nước cần nhanh chóng thích ứng, phát huy tích cực và hạn chế tiêu cực.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì Liên hợp quốc chọn Việt Nam là địa điểm tuyên bố Công ước Hà Nội về an ninh mạng. Điều này thể hiện vai trò, sự thích ứng của Việt Nam đối với vấn đề an ninh mạng và xa hơn là an ninh AI.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 diễn ra từ ngày 25-26/2, có hơn 600 đại biểu tham dự trực tiếp, trong đó có trên 230 đại biểu quốc tế, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2024. Đặc biệt, Diễn đàn năm nay vinh dự có sự hiện diện của Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta, Thủ tướng Malaysia, Chủ tịch ASEAN 2025 Dato’ Seri Anwar bin Ibrahim, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; cùng thông điệp ghi hình của Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc; trên 10 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các nước tham dự trực tiếp và gửi thông điệp ghi hình, 160 đại biểu ngoại giao đoàn (trong đó có 40 Đại sứ), và 230 đại biểu trong nước (gồm 20 lãnh đạo bộ ngành, 10 lãnh đạo tỉnh thành).

Tăng cường hợp tác, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn

Trao đổi tại phần thảo luận, Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh những nỗ lực của ASEAN trong việc tích cực thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn, với lợi thế đi trước khoảng 20 năm. Hiện nay, nguồn đầu tư từ Đức, Mỹ và Trung Quốc vào ngành này đang rất lớn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho rằng những thành công mà ASEAN đạt được cần được chia sẻ rộng rãi, bởi nhiều quốc gia ASEAN đã tích cực triển khai các chương trình phát triển chip bán dẫn, hướng đến sự thịnh vượng chung của hơn 700 triệu người dân trong khu vực, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong tiến trình phát triển.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Đỗ Hùng Việt điều hành phiên thảo luận. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngoài ra, khi thúc đẩy ngành công nghiệp chip bán dẫn, ASEAN cần tăng cường hợp tác đa phương và song phương, đồng thời chú trọng hơn nữa vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Có thể nói, đây là một lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực.

Thủ tướng Anwar Ibrahim chỉ rõ, cả Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều ủng hộ “câu chuyện” hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn, bởi mỗi nước đều có thế mạnh riêng. Malaysia cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, thể hiện tinh thần gắn kết và cùng phát triển.

Với dân số hơn 700 triệu người và vị trí địa chiến lược, ASEAN đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để tận dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Hơn hết, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Thủ tướng Malaysia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan tâm lẫn nhau trong nội khối, đặc biệt là đối với việc Timor Leste gia nhập ASEAN.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Thủ tướng Anwar Ibrahim chỉ rõ, cả Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều ủng hộ “câu chuyện” hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn, bởi mỗi nước đều có thế mạnh riêng. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bình luận về các vấn đề quốc tế, Thủ tướng Anwar Ibrahim nhận định, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến xung đột, trong đó việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là điều tối quan trọng.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Malaysia không chỉ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực Halal mà còn mở rộng sang ngành dầu khí - một minh chứng cho sự gắn kết giữa hai nước và sự năng động của nền kinh tế khu vực.

Thủ tướng Malaysia khẳng định, để phát triển bền vững hơn nữa, các quốc gia trong khu vực cần tăng cường hợp tác toàn diện, thắt chặt mối quan hệ để cùng nhau tiến xa hơn. Chỉ khi đoàn kết, ASEAN mới có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình, đồng thời, hòa bình sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của khu vực trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về thị trường Halal, Thủ tướng Anwar Ibrahim nhấn mạnh, thực phẩm Halal không chỉ phục vụ cộng đồng Hồi giáo mà còn hướng đến tất cả người tiêu dùng trên thế giới. Với giá trị hơn 1.000 tỷ USD, ngành Halal đang là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ và được ưa chuộng trên toàn cầu.

Theo ông Anwar Ibrahim, Malaysia - quốc gia hàng đầu thế giới về cấp chứng chỉ Halal - hiện đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm hoàn thiện quy trình chứng nhận, đồng thời khẳng định hai quốc gia còn nhiều dư địa để khai thác và mở rộng thị trường đặc biệt này.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Đại biểu đặt câu hỏi cho các diễn giả tại phiên thảo luận cấp cao. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hướng tới nâng cấp quan hệ ASEAN-New Zealand

Nhận định về quan hệ New Zealand và ASEAN, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon khẳng định hai bên có lịch sử phát triển lâu dài cùng nhau với những quan hệ đối tác hiệu quả như những người bạn với tình hữu nghị ấm áp trong 50 năm qua.

Theo Thủ tướng Christopher Luxon, New Zealand thường được biết đến với những sản phẩm nông sản tốt, chất lượng cao, nhưng có một số thế mạnh của quốc gia Thái Bình Dương này mà ít người biết, ví dụ như New Zealand là quốc gia lớn thứ 4 trên thế giới với số lượng tên lửa phóng lên, tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo cao, khoa học công nghệ tiên tiến, AI…

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Thủ tướng Christopher Luxon trao đổi tại phần thảo luận của phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. (Ảnh: Tuấn Anh)

“New Zealand có thể là đối tác quan trọng với ASEAN để giúp thu hẹp khoảng cách phát triển hay thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và New Zealand cũng mong muốn học hỏi từ ASEAN, thúc đẩy thương mại – đầu tư giữa hai bên”, Thủ tướng Christopher Luxon nhấn mạnh.

New Zealand thường xuyên trao đổi với các đối tác ASEAN về tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ nhau phát triển cùng có lợi. Trên cơ sở đó, hai bên đang hướng tới việc nâng cấp quan hệ ASEAN-New Zealand lên thành Đối tác chiến lược toàn diện.

Bày tỏ cảm ơn Việt Nam trong vai trò điều phối quan hệ giữa hai bên, Thủ tướng Christopher Luxon kỳ vọng vào khả năng nâng tầm hợp tác, đặc biệt khi năm nay Malaysia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.

Đề cao vai trò của thế hệ trẻ trong việc xây dựng tương lai bền vững Thủ tướng New Zealand cho rằng thế hệ trẻ cần phải tham gia vào bảo vệ hành tinh như vậy mới thể hiện được tiếng nói và mong muốn của mình.

Thủ tướng Christopher Luxon cho biết, New Zealand đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng năng lượng sạch trong thời gian tới và bày tỏ mong muốn chia sẻ công nghệ trong chuyển đổi năng lượng với các đối tác tại ASEAN.

“Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các bạn trẻ và tiếng nói của các bạn trẻ trong thời gian tới”, nhà lãnh đạo New Zealand nhấn mạnh.

Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu

Đề cập vấn đề biến đổi khí hậu đang nóng hổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay, thế giới đang phải đối mặt nhiều khó khăn như cạn kiện tài nguyên, già hoá dân số hay hiện tượng thời tiết cực đoan... Biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu và do đó, cũng cần có cách giải quyết mang tính toàn cầu, toàn diện và bao trùm.

Để ứng phó với thách thức lớn này, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, cần sự đoàn kết quốc tế, chung tay cùng giải quyết thách thức. Hiện nay, thế giới đang phát triển không đồng đều, vì vậy, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ lẫn nhau, nước phát triển cần giúp các nước đang phát triển và nước chậm phát triển về xây dựng thể chế, chuyển giao công nghệ, giúp đỡ tài chính, đào tạo nhân lực và quản trị thông minh.

Về giải pháp của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng đề cập 5 hành động mà Chính phủ đang thực hiện gồm: Xây dựng ngành năng lượng xanh, giao thông xanh, nông nghiệp xanh, bán chứng chỉ carbon và khuyến khích trồng rừng.

Đặc biệt, trên lộ trình hướng tới nền nông nghiệp xanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang triển khai sáng kiến đầu tiên và duy nhất trên thế giới là xây dựng một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam và toàn cầu.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về 5 hành động mà Chính phủ đang thực hiện trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Gửi thông điệp đến thế hệ trẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thế giới là của người trẻ, vì vậy, chính người trẻ cần giữ gìn thế giới xanh sạch đẹp cho bản thân mình, cho dân tộc và cho toàn nhân loại.

Chia sẻ kinh nghiệm của Timor Leste trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Tổng thống Ramos-Horta nhấn mạnh, dù là một quốc gia nhỏ bé, nhưng quốc gia này luôn tập trung vào hoạt động cải tạo rừng, ngoài ra còn tham gia vào hai sáng kiến lớn, khi trở thành quốc gia đầu tiên bán chứng chỉ carbon vài năm trước đây. Ông Ramos-Horta nhấn mạnh, mỗi người dân Timor Leste đều đang cố gắng tập trung cải thiện đời sống, làm sạch sông ngòi và hạn chế tình trạng cạn kiệt tài nguyên.

Với Malaysia, theo Thủ tướng Anwar Ibrahim, quốc gia Đông Nam Á này cũng đưa ra bảo đảm rằng, 50% người trẻ sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc đánh đổi môi trường lấy kinh tế nhằm giữ gìn cho tương lai.

Tại COP 27, các quốc gia đã đưa ra những cam kết bảo vệ môi trường cho tương lai, song cần phải đưa ra các cam kết thực chất hơn nữa. "Tất cả các quốc gia ASEAN cần có trách nghiệm trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, chúng ta cần thể hiện quan điểm này rộng rãi hơn nữa, công khai hơn nữa", ông kêu gọi.

Diễn đàn Tương lai ASEAN là sáng kiến được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 (năm 2024). Diễn đàn là sự kiện đa phương kênh 1,5 quy mô lớn, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, giới chuyên gia, học giả và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để cùng thảo luận, đề xuất các sáng kiến mới cho tương lai phát triển của ASEAN, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác.

Sáng kiến này đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ rộng khắp của các nước thành viên ASEAN và đối tác, bạn bè quốc tế thể hiện qua thành công của AFF lần thứ nhất tổ chức vào tháng 4/2024.

Tiếp nối thành công của AFF 2024, Diễn đàn năm nay diễn ra từ ngày 25-26/2 với chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động". Diễn đàn có trên 12 hoạt động, bao gồm: 1 phiên toàn thể cấp cao, 5 phiên toàn thể, 1 Gala Dinner, 1 phiên ăn trưa làm việc cùng một số hoạt động trước Diễn đàn.

Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận các chủ đề liên quan trực tiếp đến tương lai của ASEAN như: Các xu hướng lớn tác động tới ASEAN và thế giới; Các nguyên tắc nền tảng của ASEAN, hợp tác tiểu vùng; Quản trị công nghệ mới nổi; Vai trò gắn kết và thúc đẩy hòa bình của ASEAN…

Lần thứ hai được tổ chức, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng với các nước thành viên duy trì và củng cố vai trò trung tâm và phát huy trách nhiệm tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển.

Trước đó, trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn, sáng 25/2, tại Học viện Ngoại giao đã diễn ra Triển lãm ảnh “Hành trình 30 năm Việt Nam tham gia ASEAN” và 3 Tọa đàm bàn tròn diễn ra song song về các chủ đề: Phụ nữ, Hoà bình và An ninh: Chuyển đổi số vì hòa bình bền vữngThúc đẩy nông nghiệp thông minh vì An ninh lương thực khu vực và Thúc đẩy đối thoại vì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Nguồn tin: baoquocte.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây