Ngày 19 tháng 5 hàng năm đã trở thành một dịp đặc biệt trong tâm thức người dân Việt Nam, ngày kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những câu chuyện xung quanh các lần sinh nhật của Người không chỉ thể hiện tình cảm của nhân dân mà còn phản ánh những tư tưởng lớn, những quyết sách quan trọng và một phong cách sống giản dị, vì dân, vì nước.
Sinh nhật đầu tiên giữa lòng thủ đô độc lập và nước cờ ngoại giao sắc sảo
Lần đầu tiên nhân dân Việt Nam chính thức kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào ngày 19 tháng 5 năm 1946. Thông tin này được công bố rộng rãi qua bài báo đặc biệt "Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam" trên trang nhất Báo Cứu Quốc ngày 18 tháng 5 năm 1946.
Trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang đối mặt với tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", nền độc lập chưa được công nhận rộng rãi và nguy cơ xâm lược trở lại từ kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tuổi 56 không chủ trương tổ chức kỷ niệm sinh nhật mình. Tuy nhiên, việc kỷ niệm ngày sinh của Bác vào thời điểm này lại mang một ý nghĩa chiến lược, trở thành một biểu thị cho khối đại đoàn kết toàn dân và một "sáng kiến" lợi hại trên mặt trận ngoại giao.
Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại một sự kiện quan trọng: "Chiều ngày 18.5.1946, Cao ủy Pháp D’Argenlieu cùng tướng Valluy và Grepin đến Bắc Bộ Phủ chào Hồ Chủ tịch. Bác nâng cốc chúc mừng Cao ủy Pháp và nói: "Hôm nay với việc ngài đến thăm Hà Nội, cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới". D’Argenlieu đáp lễ: 'Ngày mai là sinh nhật của Hồ Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch thượng thọ và tôi tin rằng, từ đây tình thân thiện của nước Pháp và nước Việt Nam sẽ càng ngày càng chặt chẽ thêm và càng thân mật hơn nữa" (Võ Nguyên Giáp, Tổng hợp hồi ký, NXB QĐND, H.2006, tr.280)".
Như vậy, việc tổ chức sinh nhật lần đầu tiên này được Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động sử dụng như một nguyên cớ cho đấu tranh ngoại giao. Người đã ở trong tư thế Nguyên thủ quốc gia độc lập, tiếp đón Cao ủy Pháp D’Argenlieu, người đang có những mưu toan cản trở chuyến công du của Hồ Chủ tịch sang Pháp. Dù Bác khiêm tốn nói với đồng bào rằng mình "Chưa có gì đáng chúc thọ", nhưng với đối phương, đây là một dịp để Người buộc họ phải đối thoại, với hy vọng về một bước tiến mới trong quan hệ Việt - Pháp.
Cũng nhân dịp "các nhà báo ở đây đã làm to ngày sinh nhật của tôi", Bác đã có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ thiếu nhi, tự vệ, hướng đạo đến đại biểu Nam Bộ. Người đã tặng các đại biểu thiếu nhi cây bách tán và mong: "Cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt". Ngày 19 tháng 5 năm 1946 thực sự trở thành ngày hội đoàn kết, biểu thị sức mạnh toàn dân tộc.
Sinh nhật giản dị mà ấm áp tình đồng chí ở chiến khu
Một kỷ niệm sâu sắc là vào ngày 19 tháng 5 năm 1947, khi Bác tròn 57 tuổi. Sau khi nhận hoa chúc mừng, Bác đã "nhờ chiến sĩ cảnh vệ đem bó hoa thơm đẹp ấy ra viếng mộ anh Hoàng Văn Lộc - người cấp dưỡng vừa qua đời vì sốt rét". Hành động này thể hiện sự trân trọng, tình cảm sâu sắc của Bác đối với những người cộng sự đã hy sinh. Tương tự, vào năm 1948, Bác đã "rơm rớm nước mắt đề nghị dành bó hoa mừng sinh nhật để viếng mộ người phục vụ nấu ăn cho Bác vừa mới qua đời vì căn bệnh sốt rét ác tính". Những dịp này, Bác thường dành thời gian nói về những tấm gương trung thành với Đảng và sự nghiệp Cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm về một "ngày sinh nhật chung" của cả dân tộc. Trong thư ngày 19 tháng 5 năm 1948, Người viết: "Tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ấy là ngày Cách mạng giải phóng thành công tháng Tám năm 1945". Người thấy rằng, "trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên".
Khi đất nước bị chia cắt, Bác luôn căn dặn các địa phương không tổ chức chúc thọ linh đình, tốn kém. Người giải thích: "Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào...Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cường thịnh hơn". Để tránh nghi lễ, Bác thường chọn dịp sinh nhật để đi thăm nhân dân các địa phương, nhưng luôn dặn trước không được tổ chức đón tiếp rình rang.
Món quà quý giá nhất đối với Bác, như Người từng chia sẻ với phóng viên Báo Cứu Quốc năm 1949, là "những báo cáo thành tích thi đua ái quốc". Bác cũng thường nhắc nhở: "Mừng sinh nhật tôi, đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi", và dặn dò chuyển quà tặng đến các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong, các nhà trẻ.
Bản di chúc để đời
Một dấu ấn đặc biệt gắn liền với những ngày tháng Năm là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết và chỉnh sửa bản Di chúc lịch sử. Từ tháng 5 năm 1965, khi tròn 75 tuổi, Bác bắt đầu chấp bút những dòng đầu tiên của tài liệu "Tuyệt đối bí mật" này. Sáng ngày 10 tháng 5 năm 1965, tại căn nhà sàn, Bác khởi thảo Di chúc. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, kể lại: "Chính vào giờ phút đó Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu "Tuyệt đối bí mật" để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau".
Trong những năm tiếp theo, Bác thường dành những ngày trung tuần tháng 5 để xem xét, sửa chữa, bổ sung bản Di chúc. Đến sáng ngày sinh nhật lần thứ 79, ngày 19 tháng 5 năm 1969, Bác lại một lần nữa xem và chỉnh sửa bản Di chúc lần cuối.
Lần sinh nhật cuối cùng, năm 1969, diễn ra trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt. Bác đã đề nghị không tổ chức sinh nhật vì "Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng". Người cũng yêu cầu số "tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh của Bác...nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí". Trước lời xin phép của Trung ương, Bác chỉ miễn cưỡng đồng ý và dặn dò: "Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi".
Như lời Bác đã dạy: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Vì lợi nước, quên lợi nhà". Kỷ niệm ngày sinh của Bác một cách thiết thực nhất chính là học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời, thực hiện những điều giản dị mà cao cả Người đã để lại, thể hiện đúng bản chất của người "công bộc", người "đầy tớ" trung thành của nhân dân.
Nguồn tin: laodong.vn
Ý kiến bạn đọc