4 KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
Theo đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp Nghệ An là cơ cấu lại theo hướng hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng.
Nghệ An phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, gồm: Công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo và lắp ráp; công nghiệp số; năng lượng tái tạo; công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ này sẽ ưu tiên phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế như: Chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng.
Mặt khác, phân bố hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân như: may mặc, da giày.
Nghệ An cũng đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp; hạn chế và giảm dần các lĩnh vực gia công, khai khoáng, sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Công nghiệp tại Nghệ An sẽ phát triển theo 4 không gian với các định hướng lĩnh vực thu hút đầu tư cụ thể.
Trước hết, khu vực thành phố Vinh và các huyện ven biển dọc Quốc lộ 1 gắn với Khu kinh tế Đông Nam và vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế và các khu công nghiệp hiện có, bổ sung mới một số khu công nghiệp để tạo quỹ đất thu hút đầu tư phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao như: Công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất vật liệu mới, công nghiệp hỗ trợ.
Thứ hai là khu vực đồng bằng và đồi núi thấp phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với các ngành sản xuất: linh kiện và phụ kiện điện tử; hàng may mặc, da giày, hàng gia dụng và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; hoá chất và hỗ trợ ngành hóa chất, các chế phẩm sinh học; thực phẩm, đồ uống; vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới; hàng gia dụng, thiết bị văn phòng, cơ điện lạnh,...
Thứ ba là khu vực miền Tây dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và vùng phụ cận phát triển các cụm công nghiệp và một số khu công nghiệp quy mô diện tích phù hợp để thu hút các ngành: Chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm; sản phẩm đầu vào ngành nông nghiệp; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; hàng may mặc, da giày và nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày; sản xuất các loại vật liệu xây dựng thông thường.
Thứ tư là khu vực miền núi cao được định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản; sản xuất dược liệu; sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc; tiểu thủ công nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo tiêu thụ nông sản, lâm sản ổn định cho người dân.
QUY HOẠCH HƠN 8.000 HA PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP
Để tạo quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp, Quy hoạch tỉnh chỉ rõ tiếp tục thực hiện các khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 4.373 ha được phân bổ đến năm 2030 theo Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021-2025.
Hiện nay, trên diện tích này, Nghệ An đã quy hoạch 12 khu công nghiệp.
Cụ thể là trong Khu Kinh tế Đông Nam thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc có Khu công nghiệp Nam Cấm với tổng diện tích 1.135 ha chia thành các khu A, B, C, D; E.
Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Cấm với tổng diện tích 261 ha phần diện tích khu công nghiệp. Khu công nghiệp hỗ trợ cảng Cửa Lò (Khu công nghiệp Yên Quang) có tổng diện tích 333 ha.
Tại thị xã Hoàng Mai có Khu công nghiệp Đông Hồi có diện tích 374 ha; Khu công nghiệp Hoàng Mai 600 ha (Hoàng Mai 1 264,77 ha, Hoàng Mai II 335,23 ha).
Tại huyện Hưng Nguyên và TP. Vinh có Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP; trong đó riêng diện tích khu công nghiệp là 368 ha.
Tại huyện Diễn Châu có Khu công nghiệp Thọ Lộc với tổng diện tích 780 ha (Thọ Lộc A là 600 ha, Thọ Lộc B 180 ha). Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Thọ Lộc 13 ha.
Tại huyện Nghĩa Đàn có Khu công nghiệp Nghĩa Đàn với tổng diện tích 200 ha.
Ngoài địa phận Khu Kinh tế Đông Nam có thêm 3 khu công nghiệp. Tại TP. Vinh là Khu công nghiệp Bắc Vinh với diện tích 53 ha; tại huyện Anh Sơn có Khu công nghiệp Tri Lễ với diện tích 106 ha và tại huyện Tân Kỳ có Khu Công nghiệp Tân Kỳ với diện tích 150 ha.
Đến năm 2030, toàn tỉnh quy hoạch 23 khu công nghiệp với tổng diện tích 8.056 ha sau khi được cấp có thẩm quyền điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong đó, gồm 15 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam mở rộng với tổng diện tích 6.547 ha và 8 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế với tổng diện tích 1.509 ha.
Trong Khu Kinh tế Đông Nam, ngoài 9 khu công nghiệp như đã đề cập ở trên, Nghệ An sẽ quy hoạch thêm 6 khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp số 1 tại huyện Diễn Châu 300 ha; Khu công nghiệp số 2 tại huyện Nghi Lộc 450 ha; Khu công nghiệp số 3 (Khu lâm nghiệp) tại các huyện Nghi Lộc và Đô Lương 450 ha; Khu công nghiệp số 5 tại huyện Đô Lương 300 ha; Khu công nghiệp số 8 tại huyện Hưng Nguyên 220 ha và Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Tân Thắng tại huyện Quỳnh Lưu có phần diện tích khu công nghiệp là 300 ha.
Cùng với đó, một số khu công nghiệp trong 9 khu công nghiệp thuộc địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam hiện nay đã được quy hoạch cũng sẽ được mở rộng, như: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Thọ Lộc thuộc huyện Diễn Châu sẽ mở rộng diện tích đất công nghiệp từ 13 ha lên 250 ha; Khu công nghiệp Đông Hồi sẽ tăng diện tích từ 374 ha lên 430 ha; Khu công nghiệp Nam Cấm sẽ tăng diện tích từ 1.135 ha lên 1.305 ha.
Ở ngoài địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam, đến năm 2030 tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước sẽ quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Đông Hiếu (Khu công nghiệp Phủ Quỳ) thuộc thị xã Thái Hòa, Khu công nghiệp Diễn Quỳnh tại các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Khu công nghiệp Xuân Lâm tại huyện Thanh Chương, đều với diện tích 200 ha mỗi khu và Khu công nghiệp Ngọc Châu tại huyện Quỳnh Lưu với diện tích 300 ha.
Cũng theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, dự kiến diện tích đất công nghiệp sau năm 2030 tại Nghệ An sẽ lên đến 14.117 ha, trong đó thuộc Khu Kinh tế Đông Nam là 10.458 ha và ngoài Khu Kinh tế Đông Nam là 3.659 ha.
Nghệ An cũng đồng thời phát triển 56 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.888,18 ha đến năm 2030; trong đó, giữ nguyên 37 cụm công nghiệp đã được quy hoạch với tổng diện tích 1.068,93 ha; bổ sung mới 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 819,25 ha.
Việc quy hoạch quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp là hướng đi mà Nghệ An đang tập trung thực hiện. Thời gian qua, nhiều khu công nghiệp trong quy hoạch đã thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có uy tín, kinh nghiệm trong và ngoài nước rót vốn vào Nghệ An như: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt đầu tư hạ tầng, qua đó đã tăng sức cạnh tranh thị trường bất động sản công nghiệp tại tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước.
Chính sự sẵn sàng về hạ tầng khu công nghiệp của Nghệ An là một trong những yếu tố hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Từ đầu năm 2022 đến nay, Nghệ An đang nổi lên là địa phương thu hút vốn đầu nước nói chung, đặc biệt là vốn FDI vào tốp đầu cả nước.
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã thu hút FDI đạt 1,27 tỷ USD, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành thu hút FDI hàng đầu Việt Nam; lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 130 dự án FDI đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,85 tỷ USD.
Nguồn tin: baonghean.vn
Ý kiến bạn đọc