Chiều 07/8, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy định về việc “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” do đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An về kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW trên địa bàn tỉnh.
Tiếp và làm việc với Đoàn Khảo sát có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Đức Cường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo các Ban, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; đại diện Thường trực huyện ủy Diễn Châu.
Quang cảnh buổi làm việc
Thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, Chính quyền
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, Chính quyền, chủ động tổ chức và phối hợp tổ chức việc góp ý đối với tổ chức và cá nhân qua các hình thức như góp ý trực tiếp, qua hòm thư được đặt tại các trụ sở, nơi làm việc, tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, đối thoại, qua phương tiện thông tin đại chúng… Bên cạnh đó, Nghệ An còn có cách làm hay như: Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt, đối thoại với 6.000 lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối CCQ tỉnh với chủ đề “Khát vọng – Trách nhiệm – Đổi mới – Phát triển”; Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt, đối thoại với 1.022 đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND 460 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Đoàn kết – Dân chủ - Sáng tạo – Phát triển”…
Đ/c Ngọc Kim Nam – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW
Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và ban hành chương trình, kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân trong lãnh đạo, điều hành; tổ chức lấy ý kiến tham gia của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội đối với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động xây dựng triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng, hiệu quả đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân từng bước được nâng lên. Nhiều ý kiến góp ý của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã được tiếp thu, tham khảo để xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có 92.075 ý kiến góp ý với tổ chức Đảng và đảng viên; có 133.333 ý kiến góp ý với cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Tuy vậy, việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở ở một số nơi chưa thật sự chủ động, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Việc góp ý cho cá nhân chưa hiệu quả, nhất là góp ý việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên. Hầu hết, việc góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ diễn ra khi có yêu cầu. Việc thực hiện góp ý định kỳ, góp ý thường xuyên qua hòm thư còn ít...
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Văn Ngọc trả lời về việc tổ chức các hình thức lấy ý kiến góp ý và việc tiếp thu ý kiến góp ý; công tác phối hợp giữa MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy đảng, chính quyền
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn Khảo sát và Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tập trung trao đổi, thông tin thêm để làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến: Cơ chế phối hợp giữa MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức lấy ý kiến cũng như việc tiếp thu ý kiến góp ý; các hình thức lấy ý kiến của nhân dân xây dựng Đảng, chính quyền; tác động của Quyết định số 218-QĐ/TW đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của địa phương; kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW; những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, những mô hình, cách làm hay; kiến nghị, đề xuất của địa phương…
Thành viên Đoàn Khảo sát cũng đề nghị cho biết trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức Đảng trong việc thông tin đến tổ chức Đảng cấp trên và cấp uỷ cùng cấp; các ý kiến góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã được tiếp thu bằng những văn bản cụ thể nào. Có nội dung góp ý nào đã trở thành chính sách mới cũng như làm rõ hơn về ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình thu thập ý kiến góp ý?...
Cần thiết phải ban hành một Quyết định mới đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với xu thế và yêu cầu cầu thực tiễn
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết tương tác giữa Ủy ban MTTQ tỉnh với cấp ủy, chính quyền rất tốt, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa người dân và cấp ủy Đảng, chính quyền. Việc tiếp nhận và xử lý ý kiến góp ý của người dân được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Nội dung góp ý là các dự thảo Luật, Luật sửa đổi, bổ sung; các văn bản của HĐND, UBND các cấp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, việc thực hiện cải cách hành chính; hoạt động của các cơ quan nhà nước… Những ý kiến phản ánh, góp ý của Nhân dân cơ bản đều được các cấp ủy đảng tiếp nhận, xem xét, xử lý cụ thể; đồng thời, công khai phản hồi kết quả giải quyết bằng nhiều hình thức như trả lời trực tiếp, qua văn bản... để Nhân dân biết; báo cáo kết quả tiếp thu góp ý lên cấp ủy cấp trên trực tiếp và gửi cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để theo dõi, giám sát.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Quyết định số 218-QĐ/TW, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị sau tổng kết, nên ban hành một Quyết định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn để thực hiện tốt việc xây dựng Đảng, chính quyền trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho rằng cần thiết phải ban hành một Quyết định mới đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với xu thế và yêu cầu thực tiễn
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý Bí khẳng định, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm tạo điều kiện cho MTTQ, các tổ chức đoàn thể tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền; coi trọng và tập trung chỉ đạo việc tổ chức thực hiện và tiếp thu ý kiến góp ý để phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thực tế, tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị và đã đạt được những kết quả tích cực. Đây cũng chính là một giải pháp để ổn định tình hình trên địa bàn, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững.
Nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW như: Việc tiếp nhận, đeo đuổi xử lý đến cùng ý kiến góp ý; việc góp ý cho cá nhân do tâm lý e ngại, nể nang; văn bản hướng dẫn của các ngành dọc, của các địa phương làm cho quá trình thực hiện có sự chồng chéo... Theo Bí thư Tỉnh uỷ cần thiết phải ban hành một Quyết định mới nhưng phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với xu thế và yêu cầu cầu thực tiễn. Bí thư Tỉnh uỷ cũng cảm ơn sự quan tâm của Đoàn khảo sát trong gợi mở những nội dung về thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đối với tỉnh Nghệ An. Các ý kiến của Đoàn, tỉnh sẽ tiếp thu và nghiên cứu để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Đ/c Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của tỉnh Nghệ An, xây dựng được nhiều mô hình có hiệu quả để tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân như thành lập Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; các chương trình hỗ trợ người nghèo... đã góp phần vào việc đảm bảo ổn định tình hình trên địa bàn, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.
Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị tỉnh đẩy mạnh và đổi mới phương thức tổ chức góp ý để có thể tiếp nhận nhiều hơn, kịp thời hơn tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề người dân, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp hiện đang quan tâm. Nâng cao hiệu quả tiếp thu, giải quyết những góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, Trưởng Đoàn Khảo sát đề nghị tỉnh hoàn thiện lại báo cáo; đồng thời ghi nhận các đề xuất của tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương.
Phan Quỳnh
Nguồn tin: www.nghean.gov.vn
Ý kiến bạn đọc