Sáng nay (18/10), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 tiến hành phiên bế mạc.
Tại phiên bế mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã phát biểu về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt 5,7%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực, được đánh giá là "điểm sáng" của kinh tế toàn cầu; trong năm 2024, nền kinh tế phục hồi rõ nét, tốc độ tăng trưởng phấn đấu đạt và vượt 7%.
Quy mô kinh tế từ 346 tỷ USD năm 2020, xếp thứ 37 thế giới, tăng lên 433 tỷ USD năm 2023, xếp thứ 34 thế giới; GDP bình quân đầu người tăng 1,3 lần, từ 3.552 USD lên khoảng 4.647 USD năm 2024.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới. Trong 04 năm 2021-2024, đã ban hành 43 luật và 460 nghị định; Chính phủ đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ sở pháp lý để tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, đã đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới. Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối được hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, lĩnh vực và quy hoạch cấp tỉnh được đẩy nhanh tiến độ; kinh tế số, chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06 được triển khai tích cực.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị hằng năm dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra.
Chính trị ổn định, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, đạt được những kết quả quan trọng này là nhờ sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, MTTQ Việt Nam và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro, nhất là do các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỉ giá.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; sức mua trong nước chưa cao; thể chế, pháp luật vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong các ngành công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo đột phá về năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Vấn đề ngập úng, ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường vẫn là thách thức lớn.
Thiên tai, bão lũ, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là cơ bão số 3 vừa qua. Tình hình an ninh, trật tự ở một số địa bàn, tội phạm công nghệ cao vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2024 và năm 2025 là rất nặng nề để phấn đấu thực hiện mục tiêu Chiến lược đề ra: đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm thực hiện đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, trong đó trọng tâm là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng không ngừng củng cố, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, bám sát chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện Quy chế phối hợp với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Phó Thủ tướng đã chỉ ra một số nội dung nổi bật trong công tác phối hợp.
Về phối hợp tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách về dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, nhân sĩ trí thức; phối hợp trong giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, chương trình, dự án, đề án về công tác dân tộc, tôn giáo; tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, chúc mừng, gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò và biểu dương, tôn vinh người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Chính phủ, các bộ, ngành cũng thường xuyên phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp đánh giá, đề xuất các tiêu chí lựa chọn người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu để giới thiệu tham gia Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các khóa và tổ chức các sự kiện thường niên dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Chính phủ, các bộ, ngành, đã tích cực tham gia các hoạt động của Mặt trận, chăm lo đời sống các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Về phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực phối hợp triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội.
Hằng năm, hai bên phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" cuộc vận động "Quỹ vì người nghèo", Chương trình an sinh xã hội để chăm lo hỗ trợ người nghèo; quan tâm phối hợp thực hiện cuộc vận động ủng hộ "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" góp phần chăm lo các gia đình chính sách, người có công và người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động Phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025" để đạt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Kết quả phối hợp triển khai các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết của Chính phủ.
Về phối hợp xây dựng pháp luật, trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương mời đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập và gửi lấy ý kiến tham gia của MTTQ Việt Nam đối với nội dung của dự thảo; các ý kiến đóng góp của MTTQ Việt Nam đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, rõ ràng.
Số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến của Mặt trận ngày càng tăng lên (hàng năm, Chính phủ, các bộ, ngành đã gửi lấy ý kiến đóng góp của MTTQ Việt Nam 80 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật).
Về phối hợp thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; thực hiện tốt công tác tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo luật định.
MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ hoàn thành tốt 06 nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu và bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Về kiến nghị và trả lời kiến nghị của MTTQ Việt Nam, tại các Hội nghị kiểm điểm, đánh giá thực hiện Quy chế phối hợp công tác hằng năm của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ luôn quan tâm, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Đoàn Chủ tịch, Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thường xuyên dự và có ý kiến tại các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề của Chính phủ, các hoạt động do các bộ, ngành tổ chức.
Qua các ý kiến phản ánh của Chủ tịch và đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm, Chính phủ đã có những chỉ đạo và các giải pháp phù hợp, kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của nền kinh tế, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, xử lý các vấn đề bức xúc trong xã hội.
Các bộ, ngành của Chính phủ luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Về các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, các cơ quan Nhà nước trong xây dựng cơ chế, chính sách và các điều kiện bảo đảm cho MTTQ Việt Nam triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội, các hình thức giám sát đã phát huy tốt hơn vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, hội đoàn, người dân chịu sự tác động của chính sách.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức nhiều hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án. Qua phản biện của Mặt trận và các đoàn thể đã giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Những ý kiến phản biện của Mặt trận đã được các cơ quan dự thảo văn bản nghiên cứu tiếp thu, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản được phát hành, bảo đảm tính khả thi của các chương trình, kế hoạch, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Về trao đổi thông tin và làm việc liên tịch, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thường xuyên trao đổi thông tin, báo cáo và duy trì thường xuyên mời, tham gia các kỳ họp, phiên họp và hoạt động do Hai bên tổ chức bảo đảm triển khai nghiêm túc, theo quy định.
Sự tham gia có trách nhiệm trong các hoạt động, sự kiện của người đứng đầu, lãnh đạo của Hai cơ quan đã tăng cường mối quan hệ phối hợp gắn bó giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thời gian qua được thực hiện tốt, có chiều sâu, với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi bên, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, xử lý có hiệu quả những vấn đề hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, phức tạp mới phát sinh trong thực tiễn; bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự ổn định và phát triển, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, việc thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: việc phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số nội dung chưa thật sự đạt kết quả rõ nét; vẫn còn tồn tại những điểm nóng; phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tuy có nhiều tiến bộ, tích cực nhưng có nội dung còn chậm, vẫn còn tình trạng bức xúc, khiếu kiện kéo dài; phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn; chưa tổ chức được phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án lớn...
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong phối hợp công tác, thực hiện Quy chế phối hợp; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, đồng thuận của nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả một số nội dung sau:
Một là, hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc tập hợp nhân dân, thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phối hợp động viên nhân dân phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Chính phủ phối hợp, tạo mọi điều kiện cần thiết để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức vận động, tập hợp nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực tham gia các hoạt động của MTTQ Việt Nam; tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, bảo đảm và tạo điều kiện để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và MTTQ các cấp triển khai tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp; tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tăng cường phối hợp thực hiện và phát huy dân chủ; thực hiện hiệu quả chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; xây dựng và thực hiện hiệu quả các quy định về dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại với nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.
Ba là, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc, theo tôn giáo, người uy tín, tiêu biểu, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành… chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Phát huy những nguồn lực, giá trị văn hóa, đạo đức của các dân tộc, tôn giáo để phát triển đất nước; chủ động nghiên cứu, rà soát, đề xuất các giải pháp trong quá trình, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về dân tộc, tôn giáo; thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đồng bào theo tôn giáo còn khó khăn.
Bốn là, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam các cấp trong xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm thực chất, hiệu quả; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến phản biện, góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm các điều kiện cho các hoạt động giám sát và tiếp thu, giải trình, giải quyết, trả lời các kiến nghị giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Năm là, Hai bên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội thực hiện thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và phối hợp tổ chức, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Đức Tuân
Nguồn tin: (Chinhphu.vn) - Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc tập hợp nhân dân, thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long phá
Ý kiến bạn đọc