Nghệ An: Dấu ấn một địa chỉ lịch sử lừng danh từ thời khởi nghĩa Lam Sơn cách đây 600 năm

Thứ sáu - 04/08/2023 21:46 1.558 0
Nghệ An: Dấu ấn một địa chỉ lịch sử lừng danh từ thời khởi nghĩa Lam Sơn cách đây 600 năm
Bất kì ai đi ngược Tây Nghệ An, khi đi qua huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, điểm giáp ranh với huyện Quỳ Châu, đều được người dân giới thiệu, giải thích một cách tự hào về địa danh mang tên “Bãi tập” từ thời khởi nghĩa Lam Sơn dưới thời Lê Lợi đánh giặc Minh. Tách từ huyện Quỳ Châu năm 1963, Quỳ Hợp ôm trọn di sản vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước, tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam.  

 

Vùng đất cách đây 600 năm là bãi tập của Nghĩa quân Lam Sơn

Trở lại với lịch sử hào hùng của dân tộc

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo diễn ra 3 giai đoạn. Những năm đầu cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân chủ yếu hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa, do địa thế hiểm trở, binh lính, vũ khí, lương thực, thực phẩm thiếu thốn nên nhiều lần thất bại trước quân Minh, buộc phải cố thủ để giữ lực lượng. Trước tình thế đó, tướng Nguyễn Chích đã hiến kế cho Lê Lợi và các tướng lĩnh rằng: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Nay ta trước hãy đánh lấy đất Trà Long, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, nhân tài đất ấy mà quay ra Đông Đô, thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”. ( Theo Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB Giáo dục, Hà Nội 1998, tr.779).

Theo kế của Nguyễn Chích, ngày 12/10/1424, nghĩa quân tấn công đồn Đa Căng (hay còn gọi là Bất Căng) thuộc xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Đồn nằm án ngữ trên con đường “Thượng đạo” từ miền Tây Thanh Hóa đi vào miền Tây Nghệ An. Nghĩa quân Lam Sơn đã san phẳng đồn Đa Căng, mở đường tiến vào Nghệ An. Đây thực sự là một bước ngoặt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Sau khi đặt chân đến miền núi Nghệ An, nghĩa quân Lam Sơn chọn Bãi Tập thuộc địa bàn các xã Đồng Hợp và Tam Hợp (Huyện Quỳ Hợp ngày nay) để xây dựng hậu cứ, tuyển thêm quân sĩ, rèn đúc vũ khí, huấn luyện binh lính, tích trữ lương thực, chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh thành Trà Lân (thuộc huyện Con Cuông ngày nay).

Trong thời gian dừng chân trên đất Quỳ Hợp, nghĩa quân được nhân dân các dân tộc hỗ trợ lương thực, thực phẩm; đặc biệt, hàng ngàn trai tráng con em các dân tộc Thái, Thổ ở Quỳ Hợp và các địa phương lân cận đến xin gia nhập nghĩa quân Lam Sơn.

Sau một loạt chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn ở miền Tây Nghệ An: Bồ Đằng, Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải,… thế giặc suy yếu dần, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng mạnh, trước cục diện đó, quyết định vây thành Nghệ An, đồng thời tiến xuống đồng bằng giải phóng Diễn Châu và một số huyện miền xuôi.

Sau khi giải phóng Nghệ An, nghĩa quân tiến ra giải phóng Thanh Hóa, tiến vào giải phóng Tân Bình - Thuận Hóa, kết thúc thắng lợi giai đoạn 2 cuộc khởi nghĩa.

Trên đà thắng lợi, tháng 5/1426, nghĩa quân Lam Sơn tấn công ra Bắc. Cuối năm 1427, bằng những chiến thắng quyết định ở Chi Lăng - Xương Giang, nghĩa quân Lam Sơn buộc giặc Minh phải đầu hàng. Sau 10 năm “nếm mật nằm gai” cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh do Lê Lợi lãnh đạo đã hoàn toàn thắng lợi, mở ra một vương triều mới, vương triều Hậu Lê, với quốc hiệu là Đại Việt.

Kiến nghị xây dựng bia dẫn tích dấu ấn nghĩa quân Lam Sơn

Trụ sở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp

Ông Vũ Quang Minh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, chia sẻ các thông tin với PV Tạp chí Da cam Việt Nam

Ngày 27/5/2022, UBND huyện Quỳ Hợp và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nghệ An về việc tổ chức Hội thảo khoa học “Dấu tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trến đất Quỳ Hợp; Thực trạng bảo tồn và phát huy”. Ban tổ chức đã nhận được hơn 20 bản  tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; Tất cả đều khẳng định ý nghĩa lịch sử, văn hóa, niềm tự hào và tầm quan trọng của sự kiện lớn diễn ra cách đây 600 năm trên địa bàn Quỳ Hợp.

Các nhà khoa học, nghiên cứu đánh giá: Dựa vào nguồn tư liệu điền dã, thư tịch và các tư liệu khác để xác định một số di tích, dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như: Bãi Tập, nay thuộc xã Tam Hợp và xã Đồng Hợp là hậu cứ để Lê Lợi chiêu mộ, huấn luyện quân sĩ, rèn đúc vũ khí, chuẩn bị lương thực tấn công, giải phóng thành Trà Lân. Đền Cửa Tróng (thuộc xã Yên Hợp) và Đền Chợ Bãi (thuộc xã Tam Hợp) là nơi thờ những nghĩa quân Lam Sơn hy sinh xung quanh khu vực Bãi Tập; Đền Làng Dinh ở xã Nghĩa Xuân thờ hai anh em người Thổ đi theo nghĩa quân Lam Sơn hy sinh trong một trận giao chiến với quân Minh và một số đền khác như đền Đồi, đền Bản Le,…

 

Đề xuất bảo tồn và phát huy các di tích liên quan khởi nghĩa Lam Sơn ở Quỳ Hợp

Một góc hồ Thung Mây ở thị trấn Quỳ Hợp

Ông Vũ Quang Minh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, bày tỏ, địa phương rất tự hào là vùng đất chứng kiến sự kiện lịch sử vang dội cách đây 600 năm; ông kiến nghị Nhà nước cần xây dựng bia dẫn tích lịch sử ghi danh khởi nghĩa Lam Sơn; nhằm ghi nhớ chiến công của nghĩa quân Lam Sơn, đồng thời nhắc nhớ các thế hệ có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Trên cơ sở đó tạo điểm nhấn kết nối với các danh thắng tiêu biểu trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, góp phần xây dựng những sản phẩm du lịch Quỳ Hợp trong liên kết hành trình chiêm ngưỡng vẻ đẹp các huyện miền Tây Nghệ An.

Với ý tưởng này, nhiều năm lại nay, huyện Quỳ Hợp cũng như xã Tam Hợp đã có văn bản đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy những di tích hiện có; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện xây dựng chiến lược chung trong bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản trên đất Quỳ Hợp. Những di tích thuộc di sản văn hóa phi vật thể như: các thần tích về các nhân vật được thờ tự tại các đền; rồi các sắc phong, các hoạt động lễ Đền, lễ hội liên quan cần phải được lưu giữ, tôn tạo, xây dựng để bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vùng đất.” Ông Vũ Quang Minh nói.

 

Lang Quốc Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây