Gắn bó với sự phát triển không ngừng của tỉnh nhà, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Nghệ An bước vào tuổi 55, ghi một trang sử đẹp về đối ngoại nhân dân Việt Nam - Lào trong giai đoạn kháng chiến, xây dựng và đổi mới đất nước.
Năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang thời kỳ ác liệt, cùng với sự ra đời của Ban Miền Tây C, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An được thành lập, đáp ứng tình cảm và lòng mong mỏi của người dân đối với mối quan hệ đặc biệt với nước bạn Lào, đất nước có truyền thống hữu nghị lâu đời, cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, cùng dựa vào nhau để xây dựng và phát triển.
Từ năm 1967, cùng với các đoàn quân chủ lực, Nghệ An cử các đoàn chuyên gia sang giúp tỉnh Xiêng Khoảng phát triển sản xuất, phòng chữa bệnh, đào tạo cán bộ, phục vụ chiến đấu, tham gia giải phóng Cánh đồng Chum..., kề vai sát cánh, nằm gai nếm mật, góp phần vào thắng lợi chung của hai dân tộc Lào - Việt Nam.
Hai năm sau khi thành lập Hội, nhân dân các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông đón tiếp, cưu mang, giúp đỡ gần 20 ngàn bà con tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) tản cư sang để đảm bảo an toàn trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân "Cù Kiệt" (1969-1972). Bao kỷ niệm sâu nặng, nồng ấm cho đến ngày nay. Bà con các bộ tộc Lào Lùm, Lào Thơng, Lào Xủng được ăn ở, vui sống, học hành, chữa bệnh, cùng sản xuất chiến đấu, cùng bắt biệt kích, bắt giặc lái Mỹ bị bắn tơi, chia sẻ niềm vui nỗi buồn nơi đây. Ở bản Hủa Na xã Lục Dạ huyện Con Cuông, vợ chồng chị Bunphêng Munphôxây cùng anh Vixít Phômmakhột đã làm lễ cưới, bà cụ chủ nhà đã giành cho anh chị chiếc gối bông lau, con gà mái đẻ cùng đàn gà con. Sau này chị Bunphêng Munphôxây trở thành ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy Xiêng Khoảng, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Lào.
Thật vui mừng, sau khi đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước, thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977), Hiệp định về biên giới, Nghệ An và các tỉnh cùng biên giới đã vượt mọi khó khăn xây dựng 35 cột mốc chính và 7 mốc phụ trên chiều dài 468 km đường biên, bảo vệ đường biên giới Việt Nam - Lào.
Hội đã góp phần quan trọng vận động nhân dân 6 huyện vùng biên giới chống di dịch cư tự do, kết hôn không giá thú; truyền đạo trái phép, xóa trồng cây thuốc phiện, chống tàng trữ, vận chuyển, buôn bán vũ khí, chất nổ, chất ma túy; không nghe theo luận điệu xấu của các thế lực thù địch, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào còn là cầu nối vun đắp cho tình hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Nghệ An và các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa Phăn. Trại giống lúa Loọng Piu, hệ thống cá đẻ nhân tạo, bệnh viện Mường Khăm, nhà lưu niệm cụ Phay Đang Lầu - Phó Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước, trường phổ thông cấp 3 Phônxavẳn, trường Sư phạm tỉnh Xiêng Khoảng... được xây dựng. Gỗ và các sản phẩm xuất khẩu của Lào quá cảnh qua Cảng Cửa Lò. Hàng hóa được trao đổi lưu thông qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, các cửa khẩu Thanh Thủy, Tha Đo, Tam Hợp, Thông Thụ, Cao Vều và chợ đường biên. Tuyến xe khách Vinh - Viêng Chăn, Vinh - Phônxavẳn, Vinh - Thà Khẹc hình thành. Các công trình quốc lộ 7 Nậm Cắn đi quốc lộ 13, quốc lộ 6 Bản Ban đi sầm Nưa được nâng cấp. Hệ thống thủy lợi dẫn nước bằng ống thép tưới cho đồng ruộng ở Nậm Tiền, Văng Bua và công trình Nậm Thè. Các dự án phát triển nông nghiệp và nông thôn, mở diện tích lúa nước, trồng chè, cà phê, chế biến nhựa thông, chăn nuôi bò ở Xiêng Khoảng do phía Nghệ An xây dựng đã được thực thi. Toàn bộ diện tích ruộng đất canh tác hai tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn 25 nghìn héc ta được phía Nghệ An đo đạc và vẽ bản đồ. Hàng trăm học sinh Lào được học tiếng Việt, năm 2022 trên 800 sinh viên Lào đang học tập tốt ở trường Đại học Vinh, Cao đẳng Sư phạm, Đại học Y Khoa Vinh, Đại học Kinh tế Nghệ An, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Công nghiệp Vinh, Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt - Hàn, trường Quân sự tỉnh. Nghệ An - Xiêng Khoảng nối liền tua du lịch: Biển Cửa Lò - Vinh - Khu di tích Kim Liên - Vườn quốc gia Pù Mát - Cửa khẩu Nậm Cắn - Khu nước nóng Nậm Ùn - Phônxavẳn - Cánh đồng Chum - Luông Phabăng.
Một công việc thấm đậm ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc là, sau 47 năm tìm kiếm và quy tập, nhân dân Nghệ An đón nhận và an táng gần 12 ngàn phần mộ liệt sỹ hy sinh trên chiến trường tỉnh Xiêng Khoảng, Xâyxổmbun, tỉnh Viêng Chăn về yên nghỉ trên đất Mẹ trong niềm xúc động và biết ơn khôn xiết. Ngày 27/7 hàng năm tại Nghĩa trang Hữu nghị Việt - Lào ở Thị trấn Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ hội lớn "Uổng nước nhớ nguồn", biểu tượng hùng tráng của tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Đến đây mọì người như được trở về với những năm tháng hào hùng, những chiến công hiển hách của quân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em vì nghĩa vụ Quốc tế cao cả.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào cố gắng làm tốt trọng trách tuyên truyền sâu rộng và giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước cha ông, tô thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào. Cuốn sách "Bài ca Xamakhi" (Bài ca Đoàn kết) được xuất bản năm 2001 với 70 bài viết của 60 tác giả, ghi lại bao ký ức nghĩa nặng tình sâu. Hàng vạn bài dự thi của hội viên, thanh niên, sinh viên, cựu chiến binh trong cuộc thi "Việt - Lào trong trái tim tôi" đem lại giải đồng đội cho Nghệ An và 1 giải ba cá nhân. Nhiều sáng tác văn học nghệ thuật ngợi ca tình đoàn kết chiến đấu keo sơn, tình hữu nghị trong sáng thủy chung "Mối tình Tây Trường Sơn", "Mùa Chămpa", nhiều luận văn cao học về quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào, Nghệ An - Xiêng Khoảng được thực hiện. Năm 2007, kỷ niệm 40 năm Hội Hữu nghị Việt - Lào Nghệ An, cuốn "Biên niên sự kiện hữu nghị và hợp tác Nghệ An - Xiêng Khoảng 1945-2005" ra mắt bạn đọc. Công trình nhà sàn lưu niệm của Bộ Quốc phòng Lào tại quê nội Bác Hồ được tu bổ, Trường mầm non Lào - Việt do Lào viện trợ ở Trung Đô thành phố Vinh, hàng trăm cây đào được huyện Noọng Hét nhân giống trồng ở huyện Kỳ Sơn đã thu quả; cây cổ thụ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào trồng đã xanh tốt ở núi Chung (mô phỏng) cạnh Quảng trường Hồ Chí Minh,... như những nghĩa cử cao đẹp vun đắp tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào.
Hơn năm thập kỷ qua, với nhiều nhiệm kỳ đại hội. Từ vị Chủ tịch Hội đầu tiên Nguyễn Văn Cung (1967-1972) đến các Chủ tịch Hội: Hủn Quang Kình (1972-1976), Dương Diên (1976-1988), Võ Sĩ Hòa (1988-1997), Trương Gia Miễn (1997-1999), Nguyễn Cảnh Hiền (1999-2005), Nguyễn Cảnh Tuấn (2005-2008), Thái Văn Hằng (2008-2014), Lê Xuân Đại (2014 - 2019).
Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An đã lớn mạnh về đội ngũ, 11 Hội thành viên được thành lập với hơn 4.000 hội viên. Nhiều Hội hoạt động phong phú, tâm huyết và thiết thực: Miền Tây C, Việt kiều hồi hương, BĐBP, Quân tình nguyện, Chuyên gia; 6 huyện biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Tiến Thủy - Quỳnh Lưu... Các Hội huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương mỗi năm 2 lần tổ chức các cuộc thăm thân, giao lưu văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm về đối ngoại nhân dân; với các huyện của tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, BôlyKhămxay. Câu lạc bộ xe đạp thể thao du lịch thành phố Vinh tổ chức tham quan du lịch đất nước Lào nhân 80 năm ngày sinh Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản (năm 2010).
Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào là một trong những hội Hữu nghị mạnh của tỉnh Nghệ An với sự bảo trợ của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Hàng năm phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, trường Đại học Vinh, các trường đại học, cao đẳng tổ chức vui Tết Bumpimay (15/4) và kỷ niệm trọng thể Quốc khánh Lào (2/12) có sự tham dự của hàng trăm cán bộ và sinh viên Lào đang công tác và học tập tại thành phố Vinh. Năm 2005, Nghệ An đăng cai tổ chức Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt - Lào với sự tham gia của các ngành, đoàn thể Trung ương cùng đại diện các tỉnh vùng biên giới đã để lại ấn tượng tốt đẹp.
Kỷ niệm hai ngày lễ lớn quan hệ Việt Nam - Lào (18/7 và 5/9), Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào đã phối hợp, tham gia cùng các ngành, đoàn thể, các huyện tổ chức các hoạt động phong phú và sôi nổi: Gặp gỡ thanh niên 4 tỉnh Nghệ An - Xiêng Khoảng - Bôlykhămxay - Hủa Phăn; Tuần văn hóa Lào tại thành phố Vinh: triển lãm về đất nước hoa Chămpa, biểu diễn ca múa nhạc của Đoàn Nghệ thuật Quốc gia Lào; chiếu phim "Cầu ông Tượng", "Đón các anh trở về" tại 4 điểm trong tỉnh; ra các chuyên trang Báo Nghệ An, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, phóng sự truyền thanh truyền hình, hàng trăm thanh niên của Tỉnh Đoàn, sinh viên tình nguyện Đại học Vinh sang Phônxavẳn dạy tiếng Việt và giao lưu văn nghệ trong thời gian một tháng; nhiều cựu quân tình nguyện, chuyên gia Nghệ An đã sang Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay, Khăm Muộn thăm lại chiến trường xưa, tưởng niệm Bác Hồ tại khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Noọng Bốc tỉnh Khăm Muộn.
Hội đã phối hợp với huyện Con Cuông tổ chức cho Hội Việt kiều Viêng Chăn - Xiêng Khoảng gặp gỡ tri ân nhân dân Con Cuông tại bản Xằng, xã Lục Dạ (năm 2008); nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Xuphanuvông tham gia Hội thảo với chuyên khảo "Dấu chân Hoàng thân Xuphanuvông trên đất Nghệ An 1937-1945" (năm 2009); tham gia Hội thảo đối ngoại nhân dân Việt - Lào các tỉnh cùng biên giới tại thành phố Hồ Chí Minh (năm 2010).
Năm 2012, "Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào", Hội đã tham dự Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt - Lào tại Hà Nội; đón đoàn Kalavan Xiêng Khoảng sang Nghệ An thăm quê Bác và thành phố Vinh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Xiêng Khoảng, với Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Tuyên Quang; biên tập và xuất bản bản tin Hữu nghị Việt - Lào Nghệ An và cuốn sách "Bài ca Xamakhi" tập 2 với 50 bài viết của của 40 tác giả từng gắn bó, chiến đấu, công tác ở nước bạn Lào; Cùng nhà báo, nghệ sĩ Trần Duy Ngoãn xuất bản sách ảnh "Đất nước Lào tươi đẹp" và triển lãm ảnh "Một thoáng đất nước Lào" ở Hà Nội; tham dự lễ đặt tên đường "Nghệ An - Xiêng Khoảng" ở thành phố Vinh; Hội nghị Đầu tư vào tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) tại Cửa Lò; Hội thảo phát triển nguồn nhân lực các tỉnh Bắc Lào tại Phônxavẳn; hội nghị “Học tốt” do trường Đại học Vinh tổ chức, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào tại trường đại học trọng điểm quốc gia, có lưu học sinh Lào đông nhất cả nước.
Sau Đại hội nhiệm kỳ 2014 - 2019 (tháng 12/2014), Hội đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, nhất là Hội thành viên các huyện biên giới, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức kết nghĩa 21 cặp Bản - Bản, 10 Đồn - Trạm hai bên biên giới. Hội Cựu quân tình nguyện và chuyên gia trao huận chương, kỷ niệm chương của Đảng và Nhà nước Lào cho đồng đội. Hội cùng với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các trường đại học, cao đẳng và Hội Việt - Thái tổ chức chương trình Homestay kết nghĩa gia đình hội viên với sinh viên Lào học tập ở thành phố Vinh, giúp đỡ các em nói tiếng Việt và hiểu thêm phong tục tập quán Việt Nam.
Hội góp phần làm cầu nối, xúc tiến các doanh nghiệp hợp tác đầu tư với các tỉnh bạn Lào, như Tổng Công ty Hợp tác Quân khu 4, Công ty Vi Văn Xúc xây dựng lò gạch tuy nen; Công ty Đinh Văn Tam dệt và bán thổ cẩm; các hộ gia đình Diễn Tháp làm dịch vụ đa ngành, đa sản phẩm ở Lào. Thư viện tỉnh Nghệ An tặng Thư viện tỉnh Xiêng Khoảng 2000 cuốn sách các loại. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An giúp các huyện biên giới tỉnh Xiêng Khoảng giống mới, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi tiên tiến. Các bệnh viện nhận điều trị các bệnh nhân Lào,…
Năm 2014, Hội tham dự lễ hoàn thành xây dựng hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào tổ chức tại Cửa khẩu Thanh Thủy - Nghệ An; khai trương đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn.
Năm 2015, tham gia Hành trình hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào - Thái Lan nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Năm 2017, xuất bản cuốn sách Quân tình nguyện và chuyên gia Nghệ An với Cách mạng Lào (1945 - 2010).
Năm 2019, dự thi Hùng biện tiếng Việt toàn quốc, Nghệ An đoạt giải Nhất (em Phon Thoong, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh) và 2 giải Ba.
Năm 2020, xuất bản sách Bài ca hữu nghị Việt Nam - Lào (thơ và nhạc). Tổ chức cho học học sinh các trường học tham quan và dự tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản tại Phòng trưng bày cuộc đời thân thế sự nghiệp Chủ tịch ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (13/12/1920 - 13/12/2020).
*
* *
Vinh dự cho cán bộ và hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh nhà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2007); được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tặng Bằng khen; được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh tặng bức trướng “Hội Hữu nghị Việt - Lào - vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc” (năm 2008); UBND tỉnh tặng Cờ thi đua (năm 2011); 12 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”.
Năm 2012, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập, Hội được trao tặng phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước; Huân chương Lao động hạng Ba.
Năm 2013, Hội được Đảng và Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị.
Năm 2016, Hội được TW Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tặng Bằng khen.
Năm 2017, kỷ niệm 50 năm thành lập, Hội được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.
Năm 2022, Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022), 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), 55 năm thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An (1967 - 2022), tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An tham dự cuộc gặp gỡ liên hoan hữu nghị Việt Nam - Lào tại Quảng Trị - XavanaKhệt; thăm tỉnh Xiêng Khoảng, dự lễ cầu siêu tri ân các liệt sĩ Lào - Việt Nam tại đền thờ do bà con Việt kiều mới xây dựng; Xuất bản kỷ yếu 55 năm Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An; góp kỷ vật hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Lào; giao lưu văn nghệ với lưu học sinh Lào ở thành phố Vinh; thi Hùng biện tiếng Việt chung kết của 8 trường đại học và cao đẳng vào quý 4/2022; tiếp nối chương trình kết nghĩa Homestay,…
Phát huy truyền thống quý báu và kinh nghiệm 55 năm qua, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào nguyện tâm huyết, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, làm tốt công tác đối ngoại nhân dân hơn nữa, tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Nghệ An - Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa Phăn mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
|
Thường trực Hội Hữu nghị
Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An |