Chiều 27/11, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: "Công tác đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An".
Các đồng chí: GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nghệ An đồng chủ trì hội thảo.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, ngày 5/1/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Chỉ thị đã xác định rõ công tác đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển của Nghệ An trên lĩnh vực đối ngoại: "Đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, nhất là trong lĩnh vực kinh tế với các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới với Nghệ An, các tổ chức quốc tế. Nâng cao hiệu quả tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế, nhất là trong khuôn khổ hợp tác và khu vực tiểu vùng sông Mê Kông".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, Nghệ An là một trong những địa phương được đánh giá hoạt động có hiệu quả trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ của tỉnh Nghệ An với nhiều nước trên thế giới, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, các giá trị văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Nghệ An đến với các nhà đầu tư nước ngoài, đóng góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Để hoạt động đối ngoại nhân dân phát huy tốt nhất vai trò đóng góp trong phát triển của tỉnh Nghệ An, cần thiết phải có những giải pháp phù hợp, khả thi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
ĐỔI MỚI TƯ DUY, CÁCH LÀM, GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận và tập trung trao đổi, thảo luận, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đối ngoại nhân dân trong mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa; các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân trong bối cảnh mới, đặc biệt là phát huy thế mạnh của đối ngoại nhân dân phục phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Nghệ An.
Các tham luận cũng tập trung phân tích, làm rõ hơn các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; những đóng góp của cộng đồng người Nghệ An ở nước ngoài cho sự phát triển của tỉnh nhà; những vấn đề đặt ra và một số giải pháp trong xây dựng và phát triển hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã được nghe thêm 5 ý kiến phát biểu về các vấn đề khai thác các giá trị văn hóa, truyền thông hình ảnh Nghệ An đến với bạn bè quốc tế, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân...
Phát biểu kết luận hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian tới, đối ngoại nhân dân cần được đặt trong chiến lược và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Nghệ An theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chỉ thị 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, gắn với Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các trụ cột đối ngoại của tỉnh và giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân trong tỉnh, để mỗi trụ cột, mỗi cơ quan phát huy được thế mạnh đặc thù của mình; tiếp tục đổi mới ngày càng mạnh mẽ hơn tư duy, cách tiếp cận, nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại, theo đúng tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các đối tác tiềm năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của từng đối tác đối ngoại.
Đối với hệ thống chính trị cần nâng cao chất lượng truyền thông, quảng bá hình ảnh Nghệ An đến với bạn bè quốc tế thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân với nhiều cách làm mới gắn với chuyển đổi số; khai thác các tiềm năng về văn hóa, kinh tế của Nghệ An.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu mới của hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ đối ngoại cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ý kiến bạn đọc